Từ sân Renault đến sân Thống Nhất

Từ sân Renault đến sân Thống Nhất

Kỷ niệm 82 năm ngày khánh thành sân Thống Nhất (18/10/1931 - 18/10/2013)

Thời trước, năm 1931 khi tỉnh Chợ Lớn còn là một vùng đất của Nam Kỳ, Tham biện chánh chủ tỉnh lúc đó là Renault, một người rất hâm mộ bóng đá thấy bên ranh giới của mình (tức vùng Sài Gòn) có đến hai sân bóng: sân Cercle Sportif Saigonnais (Bồ Rô, Tao Đàn bây giờ), và sân của Tổng cục thể thao. Còn trong tỉnh có rất nhiều nhưng chưa có một sân bóng để tổ chức thi đấu thể thao. Do vậy ông đã có quyết định mang tính lịch sử khi cho xây một sân bóng tầm cỡ như một vận động trường và dĩ nhiên phải hơn hai sân bóng phía Sài Gòn.

Vì thế sân được khởi công từ giữa năm 1929 và theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 1931, sân lấy tên Renault - tên của Chủ tỉnh Chợ Lớn. Với giai đoạn đầu chỉ xây dựng khán đài chính còn các khán đài phụ không có, tất cả đều theo kiến trúc mới như các sân bên Pháp, mái che được đúc bằng xi măng, cốt thép, các bậc ngồi có trên 20 bậc, từ dưới lên cao trông rất quy mô, đó là chưa kể những hàng ghế xếp riêng trong một khu vực đẹp dành cho quan chức.

Sân Thống Nhất ngày nay với cơ sở vật chất khang trang, có sức chứa khoảng 30.000 khán giả. Ảnh: Hoàng Hùng

Sân Thống Nhất ngày nay với cơ sở vật chất khang trang, có sức chứa khoảng 30.000 khán giả. Ảnh: Hoàng Hùng

Sau khi được hoàn thành, tỉnh Chợ Lớn rất hãnh diện với sân Renault bởi đây là công trình thể thao đồ sộ, được coi như lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Ngày 18-10-1931 được chọn là ngày khánh thành sân Renault bằng trận giao hữu giữa đội Cảnh sát Chợ Lớn và Ngôi sao Gia Định. Ngày khánh thành, ngoài Chủ tỉnh đến chủ tọa còn có các quan chức người Pháp và phu nhân cũng đến tham dự và dĩ nhiên sẽ không thiếu các quan chức (thời còn làm việc cho Pháp).

Có chi tiết cần nhắc lại là trước trận đấu khánh thành sân bỗng nhiên trời đổ mưa to làm ướt áo nhiều quan khách và sân bị ngập nước. Điều đó ảnh hưởng đến “thời điểm lịch sử” mà lẽ ra phải hết sức trọn vẹn và đáng nhớ dù rằng sau đó cũng có nhạc Tây, múa lân và pháo đón mừng. Kết quả trận đấu, Cảnh sát Chợ Lớn thắng Ngôi sao Gia Định 1-0.

Người hâm mộ thời đó không thể quên được thời điểm khánh thành và sân Renault về sau vẫn là nơi tranh tài của các đội bóng hàng đầu thuộc Tổng cục. Dĩ nhiên phải có các đội bóng của người Pháp cho đến khi Nguyễn Phước Vọng tiếp quản, trở thành Chủ tịch Tổng cuộc bóng tròn Nam phần vào năm 1947. Do vậy với nhiều người hâm mộ ngày đó rất khó quên các Ngôi sao Gia Định, Hoa kiều Chợ Lớn, Cảnh sát Sài Gòn… hay các đội của người Pháp như Cercle Sportif Saigonnais, Stade Militaire hay Transitaire…

Đó là thời kỳ sân Renault tràn ngập các trận đấu tranh chức vô địch. Rồi đến những năm cuối thập kỷ 50 khi đổi tên sân và được chỉnh trang, nâng cấp có giàn đèn hiện đại thì đây là địa điểm thi đấu của các giải khu vực, châu lục, tiếp đón nhiều đội danh cầu nước ngoài đến để học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Sân vận động này từng chứng kiến những sự kiện thể thao lịch sử khác. Đây là đấu trường đã từng diễn ra các trận đấu của Giải bóng đá vô địch Thiếu niên châu Á lần thứ 6 – 1964 (từ ngày 18-4 đến 28-4) và trận bóng đá đầu tiên của 2 đội bóng nữ Nam Phương và Nhị Trưng (3-0) vào ngày 23-6-1974. Đến năm 1966, sau khi đội tuyển miền Nam Việt Nam đoạt giải Merdeka ở Malaysia thì cúp vô địch được lưu trữ ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động nhưng tiếc là cúp này thất lạc.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, sân được đổi tên thành sân Thống Nhất, nơi đã diễn ra nhiều sự kiện không những cho bóng đá Sài Gòn mà cho cả bóng đá của Việt Nam.

ANH THUẬN

Tin cùng chuyên mục