Cuộc cách mạng ở đội tuyển
Ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên năm 2002, ông Calisto chọn tuyển thủ quốc gia dựa trên phong độ. Vì lý do đó mà những cầu thủ đang đá hạng nhất, khá vô danh như Tài Em, Xuân Thành, Trường Giang mới có cơ hội tỏa sáng. Kế đến, cách để nâng chất lượng đội tuyển là thi đấu cọ xát với đối tượng mạnh và không đặt nặng kết quả. Trước AFF Cup 2008, đội tuyển của Calisto đá 10 trận liên tiếp không hề biết thắng, nhưng càng vào giải càng đá hay để rồi đoạt chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên.
HLV Calisto ghi dấu ấn lịch sử cho bóng đá Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: HUY THẮNG
Cũng từ quan điểm thực chất ấy, dưới thời Calisto, các trận đấu với những đối thủ trên tầm như Olympiakos, Porto B… đội tuyển đều chơi tốt và không hề e ngại về tâm lý. Cũng chỉ có duy nhất thời Calisto, các ngoại binh nhập tịch được cơ hội khoác áo Việt Nam và khi đó, đội tuyển là tập thể rất mạnh, thắng cả Kuwait ngay trên sân đối phương.
Giới chuyên môn đánh giá cao ông Calisto không phải ở tài chỉ đạo trên sân mà còn ở những chọn lựa chiến thuật của ông. Quan điểm của Calisto rất rõ: xây dựng cách chơi dựa trên thực tế con người mà ông đang có. Vì lẽ đó mà các tuyển thủ dưới triều đại Calisto luôn có khả năng chơi được nhiều vị trí để phù hợp với các sơ đồ chiến thuật. Chính ông đã đưa Phước Tứ từ một trung vệ trở thành tiền vệ trụ; chuyển Minh Phương từ cánh phải vào đá ở trung tâm hàng tiền vệ; kéo Công Vinh lùi xuống thấp, dạt ra biên trái thay cho vị trí trung phong cắm và cũng từng “cất” Quang Hải làm “siêu tiền đạo dự bị” dù anh này là chân sút nổi tiếng thời bấy giờ.
Và chính Calisto là người “lớn tiếng” nhất phản đối việc tập trung dài hạn, tổ chức “đá cúp lấy giải” cho đội tuyển. Theo ông, cứ để đội tuyển đá giao hữu càng nhiều càng tốt, không cần tập.
Những “dự báo” cho V-League
VFF từng tổ chức các cuộc hội thảo về việc làm sao để nâng chất lượng V-League và ông Calisto luôn là người đóng góp nhiều nhất. Ông từng thẳng thắn nhận xét bóng đá Việt Nam quá ít trận đấu trong một năm và đề nghị nên cải tổ thể thức thi đấu V-League theo kiểu 2 giai đoạn, nhằm tăng số trận đấu của các CLB từ khoảng 40 trận/mùa lên 50 - 60 trận/mùa. Ông cũng đề nghị không nên hạn chế ngoại binh, bởi theo ông, ngoại binh như một chất xúc tác, cạnh tranh tích cực chứ không phải là “vật cản”, lấy hết “đất diễn” của cầu thủ nội.
Năm 2009, ngay sau khi giành chức vô địch AFF 2008, HLV Calisto đã có 3 đề xuất quan trọng để cải thiện nền bóng đá Việt Nam. Theo đó, ông mong muốn VFF có một giám đốc kỹ thuật và quan trọng hơn là đào tạo đội ngũ chuyên gia y tế. HLV Calisto cho rằng, chỉ khi nào VFF xây dựng phòng nghiên cứu và áp dụng khoa học thể thao vào bóng đá, khi ấy bóng đá Việt Nam mới thực sự phát triển.
Rất tiếc, đa số những đóng góp của ông Calisto chưa được quan tâm đúng mức dù ai cũng thừa nhận Calisto là chuyên gia có trình độ cao từng đến làm việc với bóng đá Việt Nam. Cho đến nay, khá nhiều đề xuất của ông Calisto vẫn còn nguyên giá trị...