Linh vật biểu tượng của SEA Games 29-2017
Một SEA Games khác biệt
Thông điệp của Thủ tướng Malaysia, Najib Razak gửi đến người dân trước thềm SEA Games 29 là “Cùng nhau ta vươn lên”. Trong khi đó, Bộ trưởng Thể thao và Thanh Niên, Khairy Jamaluddin khẳng định: “Bạn không thể bỏ qua cơ hội tổ chức SEA Games mà không cố gắng làm điều gì lớn lao hơn cho sự kiện này. Hơn cả một ngày hội tranh tài, SEA Games phải là nơi mà ai cũng có chung niềm vui chiến thắng”.
Nếu như SEA Games 28 tổ chức tại Singapore là một phần trong chiến dịch “phủ sóng” thể thao đến tận nhà người dân trong dịp 50 năm lập quốc thì với Malaysia, đây là sự kiện mang ý nghĩa chào mừng 60 năm ngày Quốc khánh và đặt ra những giá trị mới cho sự kiện thể thao - văn hóa lớn nhất khu vực.
Malaysia từng 6 lần đăng cai SEA Games, từng tổ chức những sự kiện lớn như Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung, World Cup U.20 thế giới, nhưng theo Bộ trưởng Khairy Jamaluddin thì SEA Games vẫn đóng một vai trò đặc biệt bởi tính kết nối và sự thân thiện của sự kiện đối với người dân Đông Nam Á.
Bằng chứng là nước chủ nhà Malaysia đã đưa ra nhiều ứng dụng được cho là “chưa từng có” trên hệ thống thiết bị thông minh để mỗi người dân, dù có đam mê thể thao hay không, vẫn có thể nắm bắt tường tận những diễn biến chính của các sự kiện thi đấu. Hàng ngàn “cây xanh SEA Games” được trồng mới như cách để quảng bá sự kiện với người dân thay cho áp phích, băng- rôn. Ngay cả việc đưa các môn thi đấu mùa đông vào sự kiện cũng là một cách truyền thông mới của nước chủ nhà, gợi sự tò mò để thu hút người xem.
Tiết kiệm nhất
Điều đáng chú ý là Ban tổ chức nước chủ nhà tự tin khẳng định sẽ tổ chức một SEA Games thành công nhất trong lịch sử, với quy mô lớn hơn nhưng chi phí lại thấp hơn 50% so với SEA Games 28 do Singapore tổ chức. Ngoài việc tận dụng tối đa cơ sở vật chất cũ, không xây dựng làng VĐV, các ngân sách dành cho công tác thi đấu và quảng bá đều được cắt giảm nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trên tinh thần “SEA Games là một ngày hội”.
Với chu kỳ 2 năm một lần, trên thực tế cho đến nay, chỉ mới có 7/11 quốc gia Đông Nam Á từng đăng cai SEA Games. Mặc dù ở SEA Games 29, nước chủ nhà vẫn dự trù tổng chi phí lên hơn 100 triệu đô la, nhưng những rào cản về tài chính và kinh nghiệm cho các quốc gia chưa đăng cai hy vọng sẽ được gỡ bỏ thông qua cách làm mới của Malaysia. Qua đó, bằng việc phát triển SEA Games thành sự kiện đầu tư cho cộng đồng, là cơ hội để kết nối văn hóa của các quốc gia, truyền tải thông điệp môi trường xanh - sạch..., nước chủ nhà Malaysia cũng đã thu hút được các nguồn tài trợ lớn để bù đắp.
Có thể một kế hoạch hành động như vậy sẽ đem đến tính khả thi hơn việc cố gắng tổ chức theo “phương án tiết kiệm” mà những nhà quản lý thể thao Việt Nam từng đưa ra để vận động quyền đăng cai Asiad trước đây. Vì vậy, SEA Games 29 có thể sẽ là bài học quý dành cho Thể thao Việt Nam trước khi nhận tổ chức kỳ đại hội thứ 31 năm 2021.