Hãy mở rộng tấm lòng

Không chỉ lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) mà hầu hết từ giới làm nghề cho đến VĐV, người hâm mộ đều cảm thấy khó hiểu trước quyết định cấm tham gia các hoạt động bóng chuyền trên toàn quốc của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Long An đối với chủ công Lê Quang Khánh - một trong những chủ công chơi nổi bật của bóng chuyền nam Long An giai đoạn gần 10 năm trở lại đây. Anh cũng từng nhiều lần khoác áo đội tuyển quốc gia giành HCĐ và HCB tại các kỳ SEA Games.

Sự việc kể trên gây bức xúc đến mức ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký của VFV, phải lên tiếng: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn từ phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Long An về việc cấm tham gia hoạt động bóng chuyền đối với VĐV Lê Quang Khánh. Nhưng vừa qua, đã có một công ty luật đại diện cho Khánh gửi hồ sơ tới VFV, trong đó có công văn về vụ việc nói trên và tôi đã xem qua”.

Chủ công Lê Quang Khánh (7, đập bóng). Ảnh: Nhật Anh

Theo nhà quản lý bóng chuyền quốc gia, chủ công Lê Quang Khánh hoàn toàn được phép thi đấu cho bất kỳ CLB nào trên toàn quốc, miễn là CLB đó làm đúng thủ tục chuyển nhượng, trong trường hợp phía đội bóng nam Long An yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa có ý kiến hay văn bản chính thức nào từ phía Sở VH-TT-DL Long An nên VFV chỉ có văn bản trả lời công ty luật đại diện cho VĐV Lê Quang Khánh. Ông Trường cũng nhấn mạnh: “Nếu nói về cấm VĐV tham gia các hoạt động bóng chuyền trên toàn quốc thì không ai có thẩm quyền, kể cả VFV. Liên đoàn chỉ xét ở góc độ các giải do liên đoàn tổ chức thôi. Bóng chuyền trên toàn quốc có rất nhiều giải khác nhau, đâu chỉ có giải của liên đoàn”.

Vấn đề nằm ở chỗ VĐV Lê Quang Khánh (hiện đang là viên chức nhà nước) muốn xin thôi việc, chứ không liên quan đến vấn đề chuyển nhượng giữa các CLB với nhau, theo nhà quản lý, Khánh cứ tuân thủ đúng thời gian nộp đơn xin nghỉ, không gây ra bất cứ rắc rối nào trong khoảng thời gian đó thì sẽ được xem xét giải quyết. Thế nên, dù rất muốn đứng ra làm trọng tài hòa giải, nhưng VFV không có quyền giải quyết vấn đề này vì liên quan tới luật dân sự mà cụ thể là luật viên chức. Đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm trả lời và phải xử lý theo đúng trình tự của luật pháp hiện hành.

Khi sự nghiệp trôi đi không mấy khả quan (CLB nam Long An lâu nay không có tài trợ, lương thưởng cho VĐV chi trả khá chậm và ít, mục tiêu phấn đấu ở giải vô địch quốc gia không cao… dẫn đến tâm lý chán nản lan rộng trong nội bộ), VĐV Lê Quang Khánh cố tìm đến một môi trường mới để ổn định cuộc sống cũng là điều dễ hiểu. Lẽ ra, nếu không yêu cầu VĐV ra đi theo hướng chuyển nhượng, Sở VH-TT-DL tỉnh Long An nên mở rộng tấm lòng, tạo cơ chế thông thoáng giúp VĐV tìm bến đỗ mới, được chăm lo đầy đủ hơn những gì đang phải chịu đựng ở đội bóng chuyền nam của tỉnh. Lâu nay, đội bóng này vẫn thường được ví là “sống mòn” vì không có nhà tài trợ chống lưng, chẳng có động lực phấn đấu và cái thiếu nhất đang tồn tại chính là thiếu niềm tin vào tương lai…

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục