Chiến tranh lạnh, chuyện bóng đá Đông Âu - Tây Âu

Cảm xúc Euro

“Đừng để chúng ta bị đánh lừa: chúng ta hiện đang ở giữa một cuộc Chiến tranh Lạnh”. Đó là câu nói nổi tiếng của Bernard Baruch – cố vấn tổng thống Mỹ Harry S. Truman, người đầu tiên dùng thuật ngữ “Chiến tranh lạnh”. Một thuật ngữ cực kỳ đắt và mang tính biểu tượng cao, miêu tả về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng là cuộc chiến tranh không dùng súng, mà bằng phá hoại, can thiệp, và chạy đua vũ trang.

Không có giai đoạn lịch sử nào đặc biệt như giai đoạn 1945-1991 này. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử loài người có hai quốc gia hùng mạnh tạo ra thế lưỡng cực, nhưng lại tạo ra cuộc chiến tranh không nhắm súng trực tiếp vào nhau. Chính vì sự đối đầu của Mỹ và Liên Xô mà đã phân Châu Âu ra làm đôi, và bóng đá cũng không thoát khỏi tình trạng đó: cuộc so kè giữa bóng đá Đông Âu và Tây Âu.

Nếu bóng đá Tây Âu có “Ngũ đại gia” Italia, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, thì bóng đá Đông Âu có “Tam hùng” Liên Xô, Tiệp Khắc và Nam Tư. Các đội bóng Đông Âu có lối đá kỹ thuật rất đẹp, phong cách tài tử, thi đấu cống hiến. Trong khi bóng đá Tây Âu lại đặt nặng tính thực dụng và hiệu quả lên đầu. Tại sao lại có điều này? Lịch sử và địa lý sinh ra con người, cũng sinh ra trường phái bóng đá. Ví von giống như cái nồi áp suất mà Liên Xô sản xuất ấy. Rất dày, cực tốt và dùng mấy thập niên không hư. Còn phong cách của Tư bản chủ nghĩa thì nồi áp suất sẽ mỏng hơn, đấy là lợi nhuận. Như cách bóng đá Tây Âu đặt chiến thắng lên đầu.

Khi truyền thông phát triển, người hâm mộ lầm tưởng rằng chỉ có bóng đá Nam Mỹ mới ưa biểu diễn và Bồ Đào Nha là quốc gia kỹ thuật nhất Châu Âu, thực chất bóng đá Đông Âu đã đi từ trước rồi. Bạn không tin ư? Hãy nhìn Zlatan Ibrahimovic, phong cách của Ibra là của gốc tài tử Đông Âu còn sót lại đấy, Bắc Âu tuyệt không sản sinh ra kiểu Ibra đâu. Thập niên 50, đừng tưởng chỉ có Brazil của Pele mới quyến rũ. Bên châu Âu còn có Hungary của Pukas.

Luận về chiến thuật, Valery Lobanovsky vĩ đại, người cha của bóng đá Ucraina là người sáng tạo ra chiến thuật “Đàn ong”. Cả đoàn quân 11 người hệt như một đàn ong tấn công, xâm nhập, phòng thủ, luân chuyển, cực kỳ đẹp mắt. Tây Âu đối phó bằng Catencaccio – phòng ngự bê tông cốt thép: đúng chất thực dụng. Chiến thuật “đàn ong” còn lợi hại hơn chiến thuật “total-football” của người Hà Lan, vì tính trực diện của nó. Giống như “Lục mạch thần kiếm” đánh với “hàng long thập bát chưởng” vậy. Sự khác biệt nằm ở phạm vi tác động của đòn đánh. Nhưng chung kết EURO 1988, Hà Lan lại đánh bại được Liên Xô. Lý do? Oleg Kuznetsov bị treo giò. Đàn ong mất đi một mắt xích tối quan trọng, họ không thể kết liễu được Hà Lan, trước khi Van Basten đánh gục Dasaev.

Hà Lan đăng quang EURO 1988 khi Oleg Kuznetsov bị treo giò.

Số phận bóng đá Nga cũng thế. Bạn sẽ để ý trước các giải đấu lớn, Nga thường rất hay mất siêu sao. Chẳng hạn EURO này họ mất Alan Dzagoev. Xin đừng trách Nga nếu họ bị loại sớm, không Dzagoev, chẳng có ai làm bóng cho Nga cả. Hình ảnh những Oleg Kuznetsov ngày xưa hay Alan Dzagoev hôm nay là một nỗi đau mang tính biểu tượng của cả nền bóng đá Đông Âu. Luôn luôn dang dở. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, bóng đá Đông Âu bơ vơ. Cả một thế hệ người yêu bóng đá Đông Âu đã nhỏ lệ.

“Đẹp thường mong manh”, chúng ta đang nói về những tập thể hay nhất nhưng cũng nuối tiếc nhất: CH Séc tại EURO 1996, 2004, Nga ở EURO 2008, Bungaria ở World Cup 1994, Croatia ở World Cup 1998 hay Dinamo Kiev ở Champions League 1998-1999. Họ chợt đến rồi đi như mưa rào mùa hạ.

Khi EURO 2016 được mở rộng lên 24 đội. Những người yêu lịch sử nhận ra một điều thú vị. Các lá thăm đã tạo ra những bảng đấu như thời chiến tranh lạnh. Tại bảng B, Nga và Slovakia đối địch với Anh, xứ Wales. Bảng C có Ba Lan, Ukraine chiến với Đức, Bắc Ireland. Bảng D có CH Czech, Croatia đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Mà để bàn về những cặp đấu này, thì cả một bầu trời lịch sử ở trong đó. Chẳng hạn Nga và Anh, cuộc đối đầu tình báo giữa KGB và cơ quan mật vụ MI-5, MI-6.

Đêm nay, Ba Lan gặp Thụy Sỹ. Đấy là đại diện Đông Âu đầu tiên ra mặt trận. Sau Ba Lan là Slovakia, rồi đến “ngựa ô” Hungary, và đặc biệt là Croatia – thế hệ vàng đang ở độ chín rực. Đã 25 năm trôi qua từ khi Liên Xô sụp đổ, những thăng trầm và biến động đã xảy ra. EU và NATO mở rộng dần về phía Đông. Nga cô đơn bên các đồng minh Trung Á. Nhưng chưa bao giờ bóng đá Đông Âu bị hòa tan vào bóng đá Tây Âu.

Đông Âu vẫn luôn có những đội bóng tài tử, và Tây Âu với tính chiến thuật ngấm trong máu. Đó là những nền bóng đá được sinh ra từ văn hóa của ý thức hệ, từ một cuộc chiến lạnh lẽo, bi thương mà cũng không kém phần trí tuệ.

DŨNG PHAN 

Bạn đọc thân mến,

Trong số những độc giả thể hiện tình yêu trái bóng tròn hay trải nghiệm không khí ngày hội bóng đá nhất nhì hành tinh này bằng bài viết trong mục Cảm xúc Euro, 5 tác giả bài viết hay, lạ do ban tổ chức bình chọn sẽ nhận 5 điện thoại Huawei (ảnh).
Bạn đọc có thể gửi bài đến Tòa soạn Báo SGGP Thể Thao số 79 Đào Duy Từ quận 10, TPHCM) hay gửi Email đến fanzonesggp@gmail.com

SGGP THỂ THAO

Tin cùng chuyên mục