Cần hỗ trợ VĐV người khuyết tật nuôi dưỡng đam mê thể thao

Tự lập mưu sinh

Một điểm mà VĐV thể thao người khuyết tật (ngoài chuyện bị thiệt thòi về thể chất không được bình thường như các VĐV bình thường) khác hoàn toàn với những VĐV thể thao bình thường là họ tập thể thao như sự rèn luyện tay ngang. Đa số VĐV thể thao người khuyết tật, kể cả những gương mặt sáng chói như Lê Văn Công, Đặng Thị Linh Phượng, phải kiếm sống bằng việc làm hàng ngày.

Sau những thời khắc lịch sử, lực sỹ Lê Văn Công lại trở về với nghề đang nuôi sống mình hàng ngày. Ảnh: T.L

Tự lập mưu sinh

Thường nhật, lực sỹ Lê Văn Công cần mẫn làm công việc tại tiệm sửa chữa điện tử nhỏ ở Hóc Môn (TPHCM) cùng bạn bè. Hay Lực sỹ Đặng Thị Linh Phượng là công nhân của xưởng mỹ nghệ 27/7 tại Hóc Môn (TPHCM). Tương tự, những thành viên khác đang có mặt trong đoàn VĐV dự Paralympic 2016, mỗi người một nghề một nghiệp sinh sống. Có thể thấy, công việc thường nhật chính là nguồn thu chính để họ và gia đình bám víu và cũng như tạo dựng được kinh tế bản thân. Thể thao người khuyết tật Việt Nam giống thể thao thành tích cao đó là không phải người khuyết tật nào cứ tập thể thao thì sẽ được vào đội tuyển rồi được đi thi đấu nước ngoài. Những người có năng lực mới được vậy. Khi có kết quả huy chương giải quốc tế, họ được thưởng tiền. Kể như, tiền thưởng là khoản thu nhập cao góp phụ giúp người thân đỡ vất vả hơn.

Những mảnh đời của các VĐV thể thao người khuyết tật có vô số chuyện để kể. Trên hết vẫn là sự mưu sinh để sống ổn định và nuôi được bản thân lẫn gia đình. Lê Văn Công và Đặng Thị Linh Phượng giành được huy chương đã làm nên lịch sử thể thao Paralympic Việt Nam. Qua họ, ai cũng mong cái nhìn và sự chăm sóc đầu tư cho VĐV thể thao người khuyết tật được thực chất và tốt hơn nữa. Nhưng, thực tế vẫn là thực tế. Nếu không có thi đấu và được kết quả huy chương, thể thao với từng người đơn thuần là cách để giải tỏa tâm lý và vượt lên có nghị lực sống mạnh mẽ hơn. Trong các thành viên đoàn Việt Nam dự Paralympic 2016, kình ngư Võ Thanh Tùng là người khá nổi tiếng. Chàng trai người An Giang lúc này tạm không vất vả chuyện “cơm áo gạo tiền”  trong mưu sinh khi những phần thưởng trong thi đấu có tương đối. Dù thế, ngoài tập và thi đấu bơi, Thanh Tùng vẫn là một thợ sửa điện thoại có tay nghề trong đời thường.

Thưởng chưa tương xứng

Cũng như thể thao thành tích cao trong kết quả có vé dự Olympic, các VĐV thể thao người khuyết tật khi giành được suất thi đấu Paralympic đều không có thưởng trong quy định Nhà nước. Quyết định 32/2011/QĐ-TTg (thực hiện từ năm 2011) đã quy định, mức thưởng dành cho VĐV thể thao người khuyết tật đối với kết quả huy chương Paralympic bằng 50% so với thưởng dành cho VĐV đạt được tại Olympic. Lê Văn Công giành HCV Paralympic 2016 thì nhận thưởng 80 triệu đồng (thưởng HCV cho VĐV đạt tại Olympic là 160 triệu đồng/chiếc). Đặng Thị Linh Phượng đoạt HCĐ Paralympic 2016, cô sẽ chỉ nhận thưởng 30 triệu đồng. Trong trao đổi và tìm hiểu mới đây, lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định sẽ xây dựng dự thảo đề xuất nâng mức thưởng đối với VĐV đoạt huy chương tại Olympic và Paralympic cao hơn. Đồng thời, mức thưởng của VĐV bình thường và VĐV của thể thao người khuyết tật sẽ tương đương nhau. Dự thảo trên sẽ được Tổng cục TDTT gởi tới Bộ VH-TT-DL qua đó cơ quan Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan xem xét vào cuối năm 2016 này. Quy chế thưởng và tiền thưởng có thể điều chỉnh để phù hợp từng thời điểm. Người làm thể thao và thể thao người khuyết tật cần hơn cả là chế độ lâu dài, bền vững hỗ trợ thì HLV, VĐV mới có động lực phấn đấu.

* Trong Thông tư số 01/2015/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chuẩn khen thưởng VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế thì ngoài VĐV giành huy chương Olympic thì các VĐV thể thao người khuyết tật đạt huy chương Paralympic cũng sẽ được đề nghị khen thưởng. VĐV giành HCV Paralympic sẽ có tiêu chuẩn để đề nghị được xét thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Lực sỹ Lê Văn Công đã giành HCV tại Paralympic 2016 và rất có thể sẽ được vinh dự này. Ngoài ra, lực sỹ Đặng Thị Linh Phượng đã giành HCĐ và cô cũng xứng đáng được một phần thưởng vinh danh cá nhân.

* UBND tỉnh Long An sẽ trao thưởng cho lực sỹ Lê Văn Công với mức 30 triệu đồng cùng bằng khen sau khi VĐV thể thao người khuyết tật này giành HCV tại Paralympic 2016. Dự kiến ngày 22-9, lực sỹ này sẽ trở về Việt Nam.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục