Yếu tố ngoại dễ mà khó

Đội tuyển bơi Việt Nam khiến người hâm mộ quê nhà đầy bất ngờ với việc đăng ký gương mặt Lê Nguyễn Paul trong đội hình càng cho thấy các đội tuyển thể thao đã mở rộng cánh cửa hơn với VĐV Việt kiều. Tuy vậy, không phải cứ có yếu tố “ngoại” là hẳn thành công và hiệu quả.

Đội tuyển bơi Việt Nam khiến người hâm mộ quê nhà đầy bất ngờ với việc đăng ký gương mặt Lê Nguyễn Paul trong đội hình càng cho thấy các đội tuyển thể thao đã mở rộng cánh cửa hơn với VĐV Việt kiều. Tuy vậy, không phải cứ có yếu tố “ngoại” là hẳn thành công và hiệu quả.

Đi tắt ngắt ngọn

Trường hợp của Lê Nguyễn Paul thì đúng là vậy. Tất cả mọi người mới chỉ biết tới VĐV này khi bước ra thi đấu tại giải bơi lội vô địch thế giới 2015. Và, chỉ với thao tác nhỏ thông qua công cụ tìm kiếm google trên internet thì giới chuyên môn thể thao đều biết được quá trình tập luyện và thi đấu của Lê Nguyễn Paul. Hẳn nhiên, từ việc ban đầu chúng ta chỉ biết tuyển bơi dự giải thế giới 2015 với 4 người (Ánh Viên, Quý Phước, Quang Nhật, Duy Khôi) nhưng thực tế là 5 (thêm VĐV Việt kiều Lê Nguyễn Paul). Không dễ dàng để được 1 suất dự giải bơi thế giới vì đây là giải có tính chuẩn nên khi bơi Việt Nam có thêm VĐV như Lê Nguyễn Paul rõ ràng là một sự khích lệ lớn.

VĐV Linda Trương từng nỗ lực nhưng không thể giúp tuyển Việt Nam giành HCV tại SEA Games. Ảnh: Quang Thắng

Dù tới giờ, kết quả tại giải của kình ngư này chưa thật xuất sắc. Trường hợp của đội bơi không phải là trường hợp đầu tiên mà các môn thể thao thành tích cao đưa VĐV Việt kiều về thi đấu. SEA Games 28-2015 vừa qua, Linda Trương (tên Việt là Trương Mai Nhật Linh) lần đầu tiên góp mặt cùng đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam thi đấu. Rất cố gắng nhưng nỗ lực của Linda Trương không đủ giúp cô đoạt huy chương tại SEA Games. Đây là 2 ví dụ cụ thể nhất ở việc thể thao Việt Nam chưa một ngày đào tạo nhưng vẫn có được con người đưa tham dự quốc tế.

Chúng ta đi tắt ngắt ngọn nhưng bài toán khó là liệu việc ngắt ngọn ấy có thật hiệu quả hay không. Tất nhiên, câu chuyện tìm được VĐV tốt ở nước ngoài là Việt kiều về tham gia thi đấu cũng không dễ vì nếu đó là VĐV thật sự đủ năng lực giành thứ hạng trên thế giới thì gần như không ai muốn khoác áo đội tuyển quốc gia mà họ đang sinh sống. Trường hợp của những nhà vô địch thế giới và Olympic như Carol Huỳnh (vật, Canada), Marcel Nguyễn (TDDC, Đức) là như vậy. Họ có yếu tố Việt kiều nhưng hoàn toàn không có ý định tham gia cùng thể thao Việt Nam.

Có tạo được sự công bằng?

Đưa VĐV ở nước ngoài về khoác áo ĐTQG là điểm không mới. Tuy nhiên, ở mặt nào đó, với những tuyển thủ trong nước thì không khỏi có những ấm ức muốn một sự công bằng. Với nhiều môn thể thao, một trong những điều kiện đặt ra trên hết là VĐV phải có thi đấu có cống hiến cho thể thao quốc nội và dựa trên năng lực, thành tích thi đấu thì mới đủ tiêu chuẩn tuyển chọn vào ĐTQG.

Linda Trương dù ở Ucraina nhưng mỗi khi giải VĐQG tổ chức và thậm chí cả Đại hội TDTT toàn quốc 7-2014 vừa qua, cô gái này vẫn có mặt ở Việt Nam tham gia thi đấu. Vì thế, sự ganh tị gần như không có. Với Lê Nguyễn Paul thì chưa biết được kế hoạch của bơi Việt Nam ra sao nhưng rõ ràng, tất cả cũng rất muốn VĐV này ít nhất phải có tham gia hoạt động thể thao tại quê nhà thì mới bớt đi cái gọi là “ưu ái” được. Có VĐV mang yếu tố “ngoại” trong đội hình, các VĐV khác sẽ tạo được động lực cạnh tranh quyết liệt hơn. Trong thể thao, ai cũng đòi hỏi công bằng. Trong thi đấu tại nhiều đại hội từ khu vực, châu lục tới thế giới không ít trường hợp xảy ra tranh cãi do VĐV không xuất phát từ bản địa mà vẫn được khoác áo thi đấu cho một ĐTQG khác.

Ngoài chuyện để VĐV Việt kiều thi đấu thì thể thao Việt Nam còn có yếu tố VĐV ngoại nhập tịch. Bóng đá là cụ thể nhất. Chúng ta có 2 ví dụ cụ thể nhất là Huỳnh Kesley Alves và Đinh Hoàng Max từng được khoác áo đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Thời gian dù ngắn ngủi nhưng họ đã trở thành những người mở đầu làm nên lịch sử. Bóng đá cấp đội tuyển có không ít cầu thủ Việt kiều từng được triệu tập để thi đấu. Gần nhất có Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn.

***

Điền kinh Việt Nam suýt chút nữa từng có VĐV Việt kiều khoác áo đội tuyển. Năm 2009, cái tên Vanina Nguyễn người Bulgaria từng ngỏ ý muốn nhập tịch để tham gia tập luyện thi đấu điền kinh. Cô gái này sinh năm 1990 với sở trường là thi đấu các cự ly ngắn 100m, 200m. Tuy nhiên, gương mặt này không bao giờ có mặt và lý do vì sao cô không về Việt Nam cũng không được chia sẻ rộng rãi. Theo tìm hiểu, hiện tại, môn TDDC cũng có 1 gương mặt Việt kiều đang sinh sống tại Canada được các HLV “chấm” để mời về tập luyện thi đấu cùng ĐTQG.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục