Chủ công Trần Thị Thanh Thúy trở thành gương mặt thứ hai của đội VTV Bình Điền Long An nối bước đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa gia nhập đội bóng Bangkok Glass thi đấu ở giải VĐQG Thái Lan năm 2016. Rõ ràng đây là cơ hội thuận lợi cho Thanh Thúy rèn luyện kỹ năng chơi bóng, nhất là khi ông thầy cũ Aphisak - người trước đây góp phần đáng kể để đào tạo nên chủ công tài năng này ở đội trẻ VTV Bình Điền Long An.
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy cũng là nữ VĐV cao nhất của đội bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: T.L
Ban đầu, lãnh đạo đội bóng Long An có vẻ phân vân. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận nghiêm túc rằng đây là cơ hội để một trong những tay đập xuất sắc của bóng chuyền nữ Việt Nam tôi luyện bản lĩnh và hoàn thiện kỹ năng tấn công của mình ở môi trường cạnh tranh tại Thái Lan còn khốc liệt hơn rất nhiều so với giải VĐQG Việt Nam.
Chính ông Lê Quốc Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền, đồng thời là Chủ tịch CLB – đã khuyến khích và tạo điều kiện để Thanh Thúy xuất ngoại theo lời mời của lãnh đạo đội Bangkok Glass (vừa vô địch lượt đi giải VĐQG Thái Lan). Theo ông Huỳnh Quang Vinh (Trưởng đoàn bóng chuyền nữ Long An), việc Thanh Thúy gia nhập đội bóng sở hữu nhiều gương mặt xuất sắc của bóng chuyền nữ Thái Lan, đồng thời có cả đàn chị Ngọc Hoa, Thúy “cò” chắc chắn sẽ tiến bộ và điều đó có lợi cho đội bóng Long An cũng như cho ĐTQG Việt Nam.
“Sau khi HLV Kittipong (tức Aphisak) liên hệ mời Thanh Thúy sang Thái Lan thi đấu vòng 2, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Công ty CP phân bón Bình Điền và với phía gia đình cháu Thúy trước khi xác nhận đồng ý với CLB Bangkok Glass. Đến môi trường tốt như Bangkok Glass và được thử sức ở giải đấu chất lượng hàng đầu khu vực, chúng tôi tin Thúy sẽ thành công”, ông Vinh nhấn mạnh.
Vài năm trở lại đây, bóng chuyền nữ Việt Nam đã tạo được sức hút đối với các nước trong khu vực. Ngoài Ngọc Hoa và Thanh Thúy, trước còn có chủ công Đỗ Thị Minh và libero Nguyễn Thị Kim Liên từng được mời sang Thái Lan đấu giải hàng đầu của họ. Tức là tiềm năng của bóng chuyền nữ Việt Nam không hề nhỏ, sẵn sàng trở thành đầu mối cung cấp cho các giải VĐQG ở Đông Nam Á nhờ trình độ của VĐV đã tăng tiến đáng kể sau một giai đoạn phải thuê mượn ngoại binh để nâng chất lượng giải đấu trong nước.
Xuất khẩu VĐV không còn là chuyện mới đối với bóng chuyền nữ Việt Nam và điều đó vừa giúp quảng bá thương hiệu của chúng ta ra sân chơi quốc tế, vừa giúp VĐV luyện nghề một cách chuyên nghiệp.
VIỆT HÙNG