Đoàn thể thao của chúng ta trắng tay ở Olympic Paris 2024, và tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic 2024) cũng chỉ có tấm huy chương đồng duy nhất của lực sĩ Lê Văn Công, người đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp mà chưa có ai thay thế.
Nhìn thẳng vào thất bại, nhận diện các khó khăn, đều được ngành thể thao thực hiện, thế nhưng khi bàn các giải pháp thì bế tắc ngay lập tức xuất hiện: Thách thức đối với TTVN hiện tại đó là tăng nguồn thu từ ngoài ngân sách để phục vụ cho công tác huấn luyện, tập huấn nâng cao cho các môn thể thao có tiềm năng vươn tầm thế giới.
Có thực mới vực được đạo. Không có nguồn lực tài chính tại chỗ, mọi quyết sách về đào tạo nhân lực dễ trở thành phù phiếm, gây tác dụng ngược, sụt giảm niềm tin và đam mê nơi VĐV.
Đây không phải là vấn đề mới. Để giải bài toán đó, công thức chung của thế giới, là bắt đầu từ hệ thống thi đấu nội địa, cụ thể là các giải vô địch quốc gia (VĐQG), nơi tranh tài của các VĐV hàng đầu, vừa là đấu trường thi thố tài năng, tạo nguồn nhân lực cho các đội tuyển quốc gia, vừa là nơi tập trung sự quan tâm của người hâm mộ, đồng thời cũng là thị trường cốt lõi của các hoạt động thương mại thể thao.
Nguồn tài chính từ thương mại thể thao và hoạt động thi đấu chiếm tỷ trọng rất lớn trong quá trình phát triển các môn thể thao, nhất là các môn có tính phổ biến cao.
Cũng vì thế mà ở Việt Nam, xã hội hóa tối đa các giải VĐQG, tăng cường xây dựng những giải đấu có yếu tố tiền thưởng, là mục tiêu của TTVN kể từ những ngày đầu cấp phép cho các liên đoàn, hiệp hội hoạt động cách đây hơn 2 thập kỷ.
Nhưng hiệu quả không đáp ứng nhu cầu, còn xa so với kỳ vọng. Bộ máy của các tổ chức này vẫn đang nặng về hành chính, chưa có cơ chế linh hoạt để phát huy tiềm năng. Các giải VĐQG đa phần diễn ra theo kiểu "đến hẹn lại lên", gần như không tạo được nguồn thu bền vững để tái đầu tư.
Trên thực tế, không chỉ có bóng đá, mà các môn như cầu lông, golf, quần vợt, bóng chuyền… đều có những giai đoạn “chuyển mình” khá mạnh mẽ.
Ví dụ như môn bóng chuyền, giải VĐQG được tổ chức 2 lượt đi - về cùng giải đấu Cúp dành cho nhóm các đội mạnh nhất. Các sự kiện được luân phiên đưa về những địa phương “đói” thể thao đỉnh cao để tăng sức hút.
Môn golf phát triển dựa trên hệ thống sân tư nhân khắp cả nước, tự túc được kinh phí dự SEA Games và lần đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV ở môn thể thao “quý tộc” rất tốn kém này.
Hoặc như môn quần vợt, nếu không xã hội hóa tốt thì sẽ không có một tay vợt Lý Hoàng Nam, bởi môn chơi này vốn không phải là thế mạnh đối với thể chất người Việt Nam.
Không thể giải bài toán ngân sách cho thể thao đỉnh cao nếu không tìm ra cách tối ưu hóa, khai thác hiệu quả những khía cạnh liên quan đến tài chính ở hệ thống giải VĐQG. Đây chắc chắn không phải là công việc dễ dàng, nhưng TTVN gần như không còn một chọn lựa nào khác ngoài việc biến những giải VĐQG thành “con gà đẻ trứng vàng” cho chính mình.
Chúng ta không thiếu các bài học từ những nền thể thao tại châu Á, cũng như tốn không ít ngoại tệ khi mua quyền phát sóng, đưa hàng chục giải đấu đỉnh cao về phục vụ cho người hâm mộ Việt Nam.
Vấn đề quan trọng vẫn là quyết tâm, là cách làm phù hợp, là tư duy mới cho hoạt động tạo nguồn tài chính thay thế cho thói quen chờ đợi ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, đặt mục tiêu lớn cho xã hội hóa các giải VĐQG cũng là cách thúc đẩy tính hiệu quả của các liên đoàn, hiệp hội và tăng độ nhận diện, uy tín cho các môn thể thao vẫn đang được hàng triệu người Việt Nam tập luyện hàng ngày.