Giải đấu là dịp để các môn sinh của võ cổ truyền Việt Nam được cọ xát cũng như thể hiện được khả năng về chuyên môn của bản thân dù là ở cấp độ nhỏ tuổi.
Năm nay, hơn 200 võ sĩ của 8 đoàn của các trong cả nước gồm TT-Huế, Bình Định, Bến Tre, Đồng Nai, TPHCM và Khánh Hòa (chủ nhà) đã góp mặt tranh tài.
VĐV tham gia tranh tài tại 36 nội dung đối với biểu diễn cá nhân, song luyện, đồng đội, tập thể các bài quyền căn bản công pháp 1 (27 động tác), 2 (36 động tác) và 3 (45 động tác). VĐV thi đấu theo nhóm tuổi từ 6-11, 12-15 và 16-18. Giải năm nay tranh tài từ ngày 12 tới 16-7.
Ban tổ chức cho biết, ý nghĩa của giải đấu là để các võ sĩ biết được hơn về tinh thần tự hào dân tộc. Đồng thời, võ cổ truyền là tinh hoa võ thuật của 54 dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trải qua thăng trầm của lịch sử, các môn phái, võ phái đã không ngừng sáng tạo, bồi đắp và lưu truyền tạo nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ chiến thuật đặc thù mang đậm nét văn hóa đặc sắc, tinh thần thượng võ, anh dũng, bất khuất của cả dân tộc. Hơn bốn ngàn năm qua, võ cổ truyền không chỉ là môn thể thao để nhân dân rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khỏe mà còn khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của của các thế hệ người Việt Nam.