Tại cuộc gặp mặt báo chí về Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 ở ngày 28-11 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đồng thời là Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 khẳng định vào lúc này chưa thể công bố danh tính cụ thể 5 trường hợp VĐV nghi vấn doping của chúng ta.
“Tôi chưa có phát ngôn chính thức nào về doping. Không riêng Việt Nam, một số VĐV của các quốc gia khác cũng dương tính. Chúng ta có 5 VĐV của điền kinh có mẫu A dương tính. Quyền lợi của VĐV được mở mẫu B để kiểm tra và có kết quả mẫu B rồi”, ông Phấn nói.
Ông Phấn cũng khẳng định “Theo đúng nguyên tắc quy định của quốc tế, khi nào được công bố chính thức thì chúng tôi sẽ công bố. Không ai được xâm phạm quyền của VĐV khi họ chưa hết quyền được giải trình trước Ủy ban phòng chống doping Đông Nam Á và Ủy ban thể thao Đông Nam Á và hy vọng đến đầu tháng 12 này thì VĐV hết quyền giải trình chúng tôi sẽ công bố chính thức. WADA chỉ thông báo cho Ủy ban Olympic và Trưởng đoàn thể thao Việt Nam về công tác doping của SEA Games 31. Hiện tại, chúng tôi chưa được quyền công bố. Đây là bài học không ai có thể rút ra kinh nghiệm nào tốt hơn cả”.
Lãnh đạo ngành thể thao khẳng định, theo quy định của WADA, khi có nghi vấn thì VĐV đó không được thực hiện quyền thi đấu. 5 VĐV không được đăng kí thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc 9-2022 và từng VĐV đã được thông báo điều này.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm phòng chống doping và y học thể thao Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Phú đã chia sẻ công tác tổ chức lấy mẫu kiểm tra doping SEA Games 31 được Trung tâm thực hiện. Hội đồng thành viên các quốc gia tham gia giám sát. “Tất cả đã cho chúng tôi những kinh nghiệm quý giá và tại Đại hội thể thao tới đây các cán bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình”, ông Phú nói. Các khâu chuẩn bị cho công tác kiểm tra đã thực hiện như hướng dẫn các VĐV, các đoàn thể thao để an toàn tuân thủ đúng về kiểm tra doping. Sổ tay hướng dẫn VĐV đã hoàn thiện và đăng tải trên trang web chính thức của ban tổ chức. Ban hành văn bản hướng dẫn gởi tới các địa phương về công tác kiểm tra doping. Công tác lực lượng gồm 68 thành viên của tiểu ban kiểm tra doping sẽ đồng hành cùng các đoàn thể thao để thực hiện điều này. Chương trình truyền thông về doping tại Đại hội thể thao toàn quốc được thực hiện rất trọng tâm.
Tới đây, 40 cán bộ lấy mẫu sẽ được tập huấn chuyên môn. VĐV nào được lấy mẫu thì hồ sơ được đưa lên hệ thống chung của WADA để có sự kiểm tra từ đầu tới cuối. Ban tổ chức sẽ có tập huấn với các đoàn, ký kết cam kết đảm bảo an toàn cho các VĐV. “Công tác phòng chống doping là rất quan trọng để từ đó mỗi tấm huy chương mà VĐV đạt được đều đáng giá, vinh dự, tự hào”, ông Phú nói thêm.