Vận động viên điền kinh Lê Thị Mộng Tuyền: Cánh chim không mỏi

Đối với các vận động viên (VĐV) cự ly ngắn, tốc độ và sự nhanh nhẹn được xem là điều tiên quyết, nhưng ở đó còn cần sự kiên trì và bền bỉ trong tập luyện để vươn đến thành công. Ở góc nhìn này, nữ tuyển thủ Lê Thị Mộng Tuyền chính là một điển hình, và cô vẫn đang nỗ lực truyền cảm hứng cho các thế hệ VĐV điền kinh TPHCM hướng đến tương lai.

Gian khó tạo nên vinh quang

18 năm gắn bó với điền kinh cũng là hành trình dài với biết bao mồ hôi và nước mắt đã rơi trên đường chạy, khó khăn và nỗ lực để vượt qua, đã làm con đường thể thao chuyên nghiệp trở thành một phần thanh xuân tươi đẹp của Lê Thị Mộng Tuyền.

Nữ tuyển thủ sinh năm 1990 này kể: “Giai đoạn đầu khi phải lên ăn ở tập trung cùng đội điền kinh TPHCM, gia đình chưa hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi. Nhưng tôi luôn tự nhủ, cố gắng tập luyện và mang về nhiều thành tích để dần thuyết phục mọi người. Thú thật khi phải thường xuyên tập luyện ngoài nắng gió khiến da đen đi nhiều, ở giai đoạn tuổi dậy thì, tôi cũng hơi tủi thân với các bạn cùng trang lứa. Nhưng nghĩ lại, để có được vinh quang trong thể thao thì mình phải biết vượt qua những điều cá nhân như thế, nên đó cũng chỉ là việc nhỏ thôi”.

Ở tuổi 16, Mộng Tuyền đoạt HCV cự ly 100m tại giải điền kinh trẻ quốc gia 2006 tổ chức tại Đà Nẵng. Chính điều này đã tạo nên một phần động lực để cô nuôi dưỡng đam mê với đường chạy. Năm 2009 đã chứng kiến tuổi 19 thực sự đáng nhớ của nữ VĐV khi giành HCĐ tại giải vô địch quốc gia, xếp sau “nữ hoàng tốc độ” thời điểm đó là Vũ Thị Hương và Lê Ngọc Phượng, giúp cô được góp mặt ở SEA Games 25 tại Lào. Là người trẻ nhất trong bộ tứ chạy tiếp sức 4x100m nữ, Mộng Tuyền cùng Vũ Thị Hương, Lê Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Thắm xuất sắc mang về HCB cho điền kinh Việt Nam.

Thế nhưng, điều không may đã xảy ra khi cô bất ngờ gặp phải chấn thương trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp. “Thời điểm năm 2010, khi tham gia Asiad tại Trung Quốc cùng các đàn chị, nhưng trước đó bản thân đã bị rách bao cơ đùi nên tôi cảm thấy rất lo lắng và tự trách, vì lúc đó không có VĐV nào dự bị cả. Thật sự thời điểm đó tôi rất áp lực, lo đến mất ăn mất ngủ và sụt hẳn 2kg, nhưng được HLV và các chị động viên nên tôi cố gắng vượt qua”, Mộng Tuyền nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn của mình.

Mộng Tuyền (số đeo 372) thi đấu tại giải điền kinh TPHCM mở rộng. Ảnh: P.MINH

Mộng Tuyền (số đeo 372) thi đấu tại giải điền kinh TPHCM mở rộng. Ảnh: P.MINH

Những tưởng cơn đau dai dẳng do chấn thương kéo dài sẽ quật ngã được cô gái nhỏ bé này, thế nhưng bằng sự nỗ lực phi thường và ngọn lửa chiến đấu luôn cháy đã giúp Mộng Tuyền trở lại đấu trường khu vực sau 6 năm gián đoạn (kể từ năm 2011). Sau bao mơ ước một lần vô địch SEA Games, thì đến năm 2017 trên đất Malaysia, Mộng Tuyền đã bước lên bục cao nhất khi cùng Lê Tú Chinh, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên đánh bại thế thống trị của các tuyển thủ Thái Lan ở nội dung 4x100m nữ, đồng thời thiết lập kỷ lục đại hội với thành tích 43 giây 88.

Và cũng trong giai đoạn điền kinh TPHCM chững lại, Lê Thị Mộng Tuyền chính là một trong những VĐV đã duy trì ngọn lửa khát khao để chuyển giao cho đàn em Lê Tú Chinh tiếp bước, làm rạng danh thể thao thành phố mang tên Bác.

Còn nhớ, trước khi kỳ SEA Games 31 diễn ra, sự vắng mặt của Lê Tú Chinh phút chót do chấn thương, đẩy VĐV kỳ cựu Mộng Tuyền trở thành gương mặt được kỳ vọng trên đường chạy cự ly ngắn. Chỉ khoảng 2 tháng trước SEA Games 31, Mộng Tuyền được triệu tập ra đội tuyển để chuẩn bị cho nội dung tiếp sức 4x100m nữ. Thời gian chuẩn bị gấp rút, nhưng bằng sự nhiệt huyết và kinh nghiệm dày dặn đã giúp Mộng Tuyền cùng Hà Thị Thu và 2 gương mặt trẻ Dương Thị Hoa, Hoàng Dư Ý vượt qua được những khó khăn bủa vây để mang về tấm HCB cho thể thao nước nhà.

Giữ mãi niềm đam mê

Gần 20 năm gắn bó với môn thể thao “nữ hoàng” là ngần ấy thời gian sát cánh cùng nhiều thế hệ ngôi sao, từ Vũ Thị Hương khi xưa, cho đến Lê Tú Chinh bây giờ và tất nhiên chính Lê Thị Mộng Tuyền cũng là một ngôi sao làm rạng danh cho điền kinh TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Nhìn lại chặng đường đã qua, nữ VĐV cho biết, cô không hề hối tiếc khi gắn bó với điền kinh và lựa chọn theo con đường thể thao chuyên nghiệp, bởi bộ môn đã mang lại cho cô sức khỏe, nhiều trải nghiệm, được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều và có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

“Tôi không hối tiếc khi dành nhiều thời gian cho điền kinh, vì tôi được làm những gì mà mình đam mê. Đầu tiên khi làm bất cứ việc gì cần phải có sự đam mê, chính sự đam mê và mong muốn đóng góp một phần nào đó cho thể thao nước nhà đã thúc đẩy tôi gắn bó với bộ môn lâu dài đến vậy”, Mộng Tuyền tâm sự.

Để rồi chính niềm đam mê ấy đã được lan tỏa đến những thế hệ trẻ, lứa đàn em của cô nàng VĐV sinh năm 1990 này. Trong đội tuyển điền kinh TPHCM, Mộng Tuyền luôn tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hay sẵn sàng động viên các VĐV nhỏ tuổi để cùng nhau phấn đấu cho thể thao thành phố. Ngoài ra, trong 2 năm trở lại đây, Mộng Tuyền còn tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống, đó là truyền đam mê chạy bộ, rèn luyện thể chất cho các em thiếu nhi.

Sau vai trò VĐV ở đội tuyển điền kinh TPHCM, lớp học thể chất của cô giáo Mộng Tuyền sẽ lại bắt đầu vào các buổi chiều với nhiều hoạt động vui vẻ cùng nhiều tiếng cười. Theo lời kể của Mộng Tuyền, cô thường nhận hướng dẫn các em từ 6-16 tuổi, xây dựng các bài tập chạy bộ rèn luyện sức khỏe và hình thành niềm đam mê thể thao với các em.

Mộng Tuyền chia sẻ: “Hiện tôi đang tập duy trì theo đội nên HLV cũng tạo điều kiện tập vào các buổi sáng, còn buổi chiều thì mình đi dạy. Các bạn nhỏ sẽ tập sau giờ học ở trường từ khoảng 16-19 giờ, chủ yếu là tập tại nhà hoặc ở công viên. Do các em cũng còn nhỏ, mỗi bạn sẽ có tính cách khác nhau nên đôi khi cũng bướng bỉnh một chút, nên mình là người hướng dẫn phải thật sự kiên nhẫn”.

Tin cùng chuyên mục