1. Ngoại trừ Hull City, 19/20 CLB của giải Ngoại hạng Anh đều lên máy bay để thực hiện các chuyến du đấu mùa hè của mình, dân dã gọi là “đi tour”. Tổng cộng, quãng đường di chuyển của các CLB Anh là 176.116 dặm Anh (1 dặm Anh = 1,609 km).
Thực ra, chiều dài di chuyển không bằng mùa hè năm trước với 199.701 dặm, tuy nhiên đó là do World Cup 2014 lấy hết của các CLB hơn 1 tháng trời. Cụ thể, các CLB hàng đầu đều giảm tối đa thời gian “đi tour” xuống hơn một nửa. Cá biệt như Chelsea, năm nay chỉ loanh quanh tại châu Âu với quãng đường 3.187 dặm, kém hơn mùa trước đến 7 lần.
Năm ngoái, Arsenal chịu khó bay đến vùng Viễn Đông trong đó có Việt Nam với tổng quãng đường 19.626 dặm thì năm nay, chỉ sang New York (Mỹ) rồi về, mất chừng 6.936 dặm mà thôi. Đội bóng bay nhiều nhất năm trước là Man.United (24.994 dặm) thì năm nay chỉ còn 11.661 dặm, tương tự là Liverpool và Man.City, đều giảm một nửa quãng đường di chuyển để còn giúp cầu thủ hồi phục khi thời gian chuẩn bị quá ngắn.
Thế nên, nếu tính bình quân trong vòng 34 ngày từ sau trận chung kết World Cup đến ngày khai mạc giải ngoại hạng thì mùa hè năm nay các đội vẫn “đi tour” nhiều hơn. Quan trọng hơn, nếu các CLB hàng đầu năm nay chủ yếu dành thời gian du đấu thực sự, mang yếu tố chuyên môn cao với các đối thủ ngang tầm thì “phong trào đi tour” lại nở rộ với những CLB hạng trung, thậm chí còn ít tên tuổi.
2. Newcastle và West Ham là 2 đội có quãng đường di chuyển xa nhất, ngang với Man.United mùa trước. Họ bay đến tận New Zealand, đất nước kém phát triển môn bóng đá và mỗi đội đá 4 trận trong vòng 6 ngày. Chẳng nói thì cũng biết, chuyến đi ấy hoàn toàn liên quan đến thương mại, chẳng ích lợi mấy cho bóng đá cả vì đây là lần đầu tiên sau 29 năm, một CLB Anh mới “chịu” viếng thăm nơi phát triển môn bóng chày, bầu dục. Ông Felicity Croft, Giám đốc Thương mại của West Ham nói thẳng: “Đi như vậy cũng mệt thật nhưng đáng giá. Chúng tôi có thể mở rộng thị trường của mình và giúp người dân tại đó cảm nhận được bầu không khí của bóng đá ngoại hạng”.
Đúng là như vậy. Các CLB cỡ nhỏ tại Anh thường được chia khá ít tiền bản quyền truyền hình từ các hãng lớn do chủ yếu khán giả chọn xem các trận đấu có những CLB trong tốp 6 thi đấu. Các thị trường tại vùng châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á) đều quá quen thuộc với giải ngoại hạng nên thường chỉ xem các trận đấu “nhỏ” khi chẳng còn trận “lớn” để xem. Trong khi đó, vùng Nam Thái Bình Dương như Australia, New Zealand hay các quốc đảo nằm rải rác của Úc châu lại ít xem bóng đá qua truyền hình do không quá đam mê. Thế nên, nếu chịu khó để “phổ cập bóng đá”, biết đâu chính những nơi như vậy lại đánh giá Newcastle hay West Ham ngang bằng với Man.United hay Chelsea chẳng biết chừng?!
Thực tế thì ngay một thị trường có tính “phổ cập” cao như Mỹ vẫn còn cơ hội cho các CLB hạng trung của Anh. Trong mùa hè này, có đến 9 đội “đi tour” sang Mỹ. Ngoài những ông lớn là Arsenal, Liverpool, Man.City, Man.United đi đá giải tứ hùng thường niên đàng hoàng với các CLB hàng đầu châu Âu khác thì những đội như Aston Villa, Crystal Palace, Swansea City, Tottenham và West Brom lại đi theo tâm trạng “thêm được gì thì thêm”. Ví dụ như trường hợp của Swansea, lần này bay đến Chicago để du đấu bởi đây là nơi có lượng khán giả trung bình xem bóng đá Anh cao nhất nước Mỹ. Năm trước, có đến 1,2 triệu người bật truyền hình xem Swansea đánh bại Cardiff 3-0 hồi tháng 2 tại giải ngoại hạng…
Đăng Linh