Novak Djokovic đang thể hiện một sự phản ứng đầy mạnh mẽ ở ATP World Tour Finals 2016, nơi anh đã giành được 3 trận thắng liên tiếp để xuất sắc vượt qua vòng đấu bảng với ngôi đầu bảng, là người đầu tiên giành vé vào vòng đấu “tứ hùng”. Djokovic đã thi đấu với tay vợt châu Á duy nhất tham gia giải đấu tổng kết cuối mùa dành cho “bát đại cao thủ” trong mùa giải năm nay – Kei Nishikori và vào sáng nay, chúng ta đều đã biết liệu tay vợt số 1 thế giới người Serbia có lọt vào trận chung kết kết lần thứ 6 hay là không. Nhưng dù kết quả đó có là thế nào đi chăng nữa, ai cũng hiểu Djokovic đang gặp vấn đề và đang nỗ lực khắc phục những vấn đề của chính bản thân mình…
Vajda và câu chuyện về Djokovic của ông
Mới đây nhất, HLV người Slovakia, ông Marian Vajda, có đăng đàn nói về chuyện của Djokovic. Câu chuyện mà Vajda kể lại giúp cho người ta nhìn nhận nhiều điều hơn về những vấn đề mà Djokovic đã phải trải qua trong suốt 5, 6 tháng vừa qua, kể từ sau khi anh đăng quang ngôi vô địch Roland Garros, để đối mặt với nửa sau mùa giải phải nói là thảm họa so với nửa đầu mùa giải thăng hoa và thành công tuyệt vời.
Vajda là ai mà có thể biết nhiều chuyện về Djokovic như vậy? Dù tên tuổi không được nhắc đến nhiều như là “đại sư phụ” Boris Becker (người mà Djokovic không chắc sẽ tiếp tục làm việc sau khi mùa giải năm nay khép lại), nhưng cựu tay vợt chuyên nghiệp người Slovakia từng vô địch Davis Cup và giành được 2 danh hiệu cá nhân lại là một thành viên chủ chốt trong đội hỗ trợ của Djokovic. Ông thầy 51 tuổi này đã được bổ nhiệm làm HLV chính của Djokovic từ hồi năm… 2006 và từ đó cho đến nay, đã 10 năm trời trôi qua, ông vẫn luôn giữ vai trò rất quan trọng trong đội hộ trợ của Nole, bất chấp việc anh này có “bái sư” thêm bất kỳ vị “đại sư phụ” nào nữa hay là không?
Marian Vajda (ngoài cùng bên trái) là thành viên chủ chốt trong đội hỗ trợ Novak Djokovic
Vajda đã đưa ra những tiết lộ quan trọng về những vấn đề thật sự trong suốt thời gian vừa qua của Djokovic: “Novak không bị khủng hoảng. Novak đã thắng 4 danh hiệu Grand Slam liền kề nhau, điều gì đó mà chỉ có Rod Laver đã từng giành được trước đây, trong 2 lần khác nhau. Cậu ấy đã dốc hết năng lượng để hoàn thành chiến tích này. Để rồi, ở Paris Masters, anh ấy đã hoàn toàn kiệt quệ. Djokovic đang bị bào mòn sự tập trung và các CĐV nên phải chờ đợi điều này. Sau quá nhiều năm lăn lộn trong làng quần vợt thế giới, sau quá nhiều thành công giành được suốt thời gian qua, những phản ứng gần đây của Nole chỉ là tự nhiên, là điều bình thường mà thôi. Thất bại sớm của ở Olympic Rio de Janeiro trước Juan Martin del Potro đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của Djokovic, khiến anh chán ngán đến tận cổ mùa giải năm nay”.
Tại sao Djokovic làm việc với Imaz?
Gần đây, dư luận đang dấy lên những tin đồn và bàn cãi quanh việc Djokovic thuê Pepe Imaz làm cố vấn HLV cho anh, Imaz từng là một tay vợt “làng nhàng” với thành tích tốt nhất là leo lên hạng 146 thế giới, chưa từng giành được một danh hiệu đơn nào và cũng chưa có một sự nghiệp huấn luyện nổi bật. Vậy thì, tại sao Imaz lại trở thành cố vấn mới của Djokovic, tay vợt từng “ôm cả bầu trời” vào đôi tay của mình? Theo nhiều tờ báo, Imaz được Djokovic lựa chọn vì là một… “bậc thầy” chuyên nghiên cứu về những vấn đề tâm linh, giải thoát sự bó buộc và giới hạn của tâm trí, với triết lý “tình yêu và hòa bình”, “tình yêu và những cái ôm dài hơi”. Thậm chí, người ta còn bị sốc khi biết chuyện Imaz từng tổ chức một buổi tọa đàm mang nặng tính tâm linh để cởi bỏ trói buộc tâm lý cho những người tham gia, trong đó có Djokovic và cả Daniela Hantuchova (Slovakia, từng là tay vợt thuộc tốp 10 thế giới). Cái tin đồn: “Djokovic trong cơn cùng quẫn và tuyệt vọng, phải cậy nhờ một nhân vật có những quyền năng huyền bí”, đã khiến Djokovic điên tiết và anh đã phản ứng lại rằng: “Đầu tiên, tôi không hiểu ở đâu mà các bạn lại nghe ông ấy là một bậc thầy về tâm linh. Ông ấy đã gắn bó với quần vợt cả cuộc đời. Nhưng giờ đây, ông ấy đã ở đây, là một phần của đội hỗ trợ tôi, tôi sẽ không cho thêm bất kỳ lý do gì để gọi ông ấy là một bậc thầy tâm linh nữa”.
Nói về vấn đề này, Vajda lý giải: “Djokovic cảm thấy quá tuyệt vọng trước rất nhiều sức ép, và không còn muốn tiếp tục sống theo cách này. Mục đích duy nhất của anh ấy là giải tỏa sức ép quá những suy ngẫm và trầm tư của tâm trí. Đây không phải là lần đầu tiên Imaz làm việc với Nole, họ từng làm việc với nhau trong quá khứ để giải tỏa các vấn đề của Djokovic và giờ đây, họ lại làm việc thân thiết với nhau thêm một lần nữa. Novak không muốn bị quan tâm đến về sự giàu có, nổi tiếng và bất khả chiến bại. Anh ấy chỉ muốn một cuộc sống đơn giản và trở thành chính mình. Áp lực trong quá khứ từng khiến Bjorn Borg không thể chịu nổi và ông đã bỏ cuộc khi mới 26 tuổi. Giờ đây, Djokovic đang đối mặt với tình huống tương tự và đang tìm cách thoát ra. Khi bạn có rất cả mọi thứ trong tay, làm sao để tìm ra một động lực mới để tiếp tục?”.
ĐỖ HOÀNG