Chiến công của “tiền bối” Wade là một bất ngờ, là một tự hào, thậm chí thứ tự mãn “thâm canh cố đế” của người Anh khi nhắc đến US Open. Ở thời điểm đăng quang vô địch, Wade cực kỳ vô danh, chỉ vừa chuyển sang chơi quần vợt chuyên nghiệp được vỏn vẹn có… 5 tháng. Trước đó, bà chơi nghiệp dư và vừa thắng một giải đấu tại Bournemouth. Bất chấp sự chèo kéo hay khuyên can, bà bỏ hệ giải nghiệp dư, quyết tâm chuyển sang chơi chuyên nghiệp.
Phần còn lại chính là “lịch sử”, Wade đăng quang US Open, giành Grand Slam đầu tay cho riêng mình. Sau đó, bà tiếp tục đăng quang ở Australian Open 1972, và đặc biệt là lên ngôi ở Grand Slam tại quê nhà - vô địch Wimbledon 1977. Đó cũng là một danh hiệu đặc biệt không kém gì ngôi vô địch US Open hồi năm 1968, vì trước đó, Wade đã tham gia Wimbledon những 15 lần mà không làm nên trò trống gì. Wade là niềm tự hào của người Anh cho đến bây giờ.
Niềm tự hào đó, lại được thổi bùng lên một lần nữa, nhưng là bởi một người khác - một “hậu bối”, một “Quý cô nhỏ xíu xiu”. Emma Raducanu có làn da bánh mật, nụ cười ngây thơ và “dễ cưng”. Cô bước vào US Open 2012, cũng với một vị thế khá tương tự như Wade năm xưa, hạng 150 thế giới, không được nhiều người chú ý đến. Nhưng cô đã thắp lại ngọn lửa Anh ở giải đơn nữ US Open, khi phiêu lưu từ vòng loại đến tận trận chung kết, và lên ngôi vô địch.
Chiến thắng 6-4, 6-3 trước tay vợt cùng lứa người Canada - cô Leylah Fernandez, khiến cho Raducanu đi vào lịch sử như là “người kế thừa ngọn lửa” mà “tiến bối” Wade từng thắp lên hồi 53 năm trước. Niềm tự hào, giờ đây, không chỉ của riêng mình bản thân Raducanu, hay của gia đình - người thân của cô, nó còn thuộc về cả nước Anh, khi các hy vọng mà họ đặt vào… Andy Murray, đang dần trở nên nhợt nhạt - vì tình trạng mảnh kim loại ở hông của anh…
Không sao, “đại cuộc” đã có người khác gánh vác. Đó là Raducanu. “Tôi biết, tôi sẽ phải đào thật sâu màn trình diễn của mình, nếu như muốn giành được chiến thắng. Chúng tôi rồi cũng vượt qua. Ở những thời khắc khó khăn nhất, tôi luôn tự nghĩ rằng, hãy cố trụ lại sân đấu, cố tập trung vào những gì mà tôi phải làm. Tiến trình của tôi, tư duy của tôi, đã thật sự giúp ích rất nhiều, đưa tôi vượt qua những thời khắc khó khăn”, Raducanu hạnh phúc chia sẻ sau chiến thắng.
Nhưng tất cả, vẫn hoàn toàn là ngạc nhiên. Cả thế giới cũng cảm thấy như vậy, và bản thân cô cũng vậy. Tay vợt nữ đầu tiên trong lịch sử giành được Grand Slam đầu tay dù mới chỉ tham dự hệ giải đấu lớn lần thứ 2 tâm sự: “Không, tôi hoàn toàn không mường tượng ra nổi diễn biến này. Bởi vì ở đầu mùa giải sân cỏ, tôi vừa mới bước ra khỏi màn kiểm tra của mình. Tôi chỉ có 3 tuần lễ tập luyện trước giải đấu đầu tiên. Tôi đã từng nghĩ rằng, Wimbledon là một trải nghiệm quá kinh ngạc lắm rồi. Lọt vào tuần lễ thứ 2, tiến vào vòng 4, đó đã là thứ không thể tin nổi. Khi đó, tôi đã nghĩ, đây là một chiến tích quá tuyệt vời”. Giờ đây thì, còn tuyệt vời hơn!
Raducanu, người đã tung ra 153 “cú winner”, và chỉ mắc 113 lỗi đánh bóng hỏng suốt giải đấu (với Fernandez, chỉ số này là 200/200), cho biết: “Mỗi trận đấu, mỗi giải đấu, mỗi tuần lễ trôi qua, tôi đều xây dựng mọi thứ trên cơ sở của niềm tin, của lối chơi của tôi. Để rồi, tất cả đã đến cùng một lúc, trong ngày hôm nay. Khi tôi tung ra những cú đánh đúng đắn ở các khoảnh khắc cần thiết, nó chỉ là sự tích lũy tất cả những gì mà tôi học được suốt 5 tuần qua. Tôi nghĩ, những gì tôi làm tốt ở giải đấu này đã được nhấn mạnh ở những thời điểm mà tôi thật sự cần nhất. Tôi đoán, việc tôi không đánh mất 1 ván đấu nào theo thành tích trên giấy tờ, cho dù là tôi trải qua tất cả các trận đấu đều đầy thách thức, đó lý giải những điều đó”.
Ở đường hầm SVĐ Arthur Ashe sau khi trận đấu kết thúc, Raducanu gặp được “tiền bối huyền thoại” Wade. Người thắp lên ngọn lửa tự hào cho quần vợt Anh quốc ngay ở kỳ US Open đầu tiên của Kỷ nguyên mở, gặp người thổi lại ngọn lửa tự hào cho quần vợt Anh quốc ở Grand Slam trên đất Mỹ của năm 2021. Họ ôm chầm lấy nhau. Một khoảnh khắc đầy xúc động. 53 năm sau lần gần nhất, người Anh lại có thêm thứ để tự hào, và để cùng nhau mừng vui…
Tất nhiên, không thể lãng quên được Leylah Ferandez. Cũng là một cô bé sinh năm 2002. Cũng là một cô nàng có làn da bánh mật, nụ cười vô tư, dễ thương và ngập tràn tự tin. Hôm nay, chỉ có một người có thể giành chiến thắng, là Raducanu, nhưng Fernandez cũng cực kỳ xứng đáng. “Tôi cũng muốn nói rằng, tôi hy vọng là mình sẽ được quay trở lại đây, ở trận đấu chung kết của US Open, và lần này, tôi sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch, chiếc cúp vô địch đúng đắn”.
Cám ơn Raducanu và Fernandez, vì đã mang lại một giải đấu đầy trẻ trung, đầy tươi tắn, đầy rạng rỡ, dễ thương và hồn nhiên. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên. Trong thế giới của WTA Tour đầy biến động, bất cứ tay vợt nào lọt đến chung kết Grand Slam, và đăng quang danh hiệu Grand Slam đầu tay, đều có khả năng “chìm nghỉm trong đại dương của tương lai”. Hãy chờ xem sự tươi tắn của họ, sẽ lan tỏa đến đâu trong tương lai sắp tới. Nhưng chắc chắn là, người Canada đã có Fernandez sau Bianca Adreescu, và người Anh đang có Raducanu.