Tửu lượng và lòng tự trọng

Hôm qua, khi biết tin TTK Trần Quốc Tuấn chính thức từ chức, một độc giả đã gởi e-mail về tòa soạn và viết thế này: “Ông Tuấn biết tửu lượng mình kém không uống được rượu của lòng tự trọng do Hội CĐV Việt Nam tặng nên quyết định rút. Các ông còn lại chưa biết tửu lượng ra sao...”. Thâm thúy thật!
Tửu lượng và lòng tự trọng

Hôm qua, khi biết tin TTK Trần Quốc Tuấn chính thức từ chức, một độc giả đã gởi e-mail về tòa soạn và viết thế này: “Ông Tuấn biết tửu lượng mình kém không uống được rượu của lòng tự trọng do Hội CĐV Việt Nam tặng nên quyết định rút. Các ông còn lại chưa biết tửu lượng ra sao...”. Thâm thúy thật!

Trước tình hình không có cơ quan nào chế tài được một tổ chức xã hội như VFF, nên các CĐV Việt Nam đã phải dùng đến cách là mua 19 chai rượu để gởi “tặng” các thành viên VFF và đặt tên là “Rượu của lòng tự trọng”. Chưa bao giờ, xã hội lại bức bối đến mức nghẹt thở vì những gì mà VFF đã làm.

TTK Trần Quốc Tuấn (bìa trái) rút lui, dàn lãnh đạo của VFF sẽ rất hụt hẫng.

TTK Trần Quốc Tuấn (bìa trái) rút lui, dàn lãnh đạo của VFF sẽ rất hụt hẫng.

Tại sao lại gởi rượu? Thật thâm thúy khi gởi rượu bởi người ta hay nói, có rượu vào thì người ta dễ dũng cảm hơn. “Rượu của lòng tự trọng” tất nhiên là để cho VFF uống vào, bừng bừng khí thế mà dũng cảm chịu trách nhiệm đối với cộng đồng bóng đá Việt Nam. Và phải chăng, ý của người hâm mộ nói trên thì ông Trần Quốc Tuấn có tửu lượng kém nên chi bằng “tẩu vi thượng sách”. Có lẽ ông sợ ngồi lại, khi các thành viên khác của VFF uống vào rồi quá hưng phấn thay vì tự động nhận trách nhiệm lại quay sang “đổ” thêm tội cho ông.

***

Vấn đề là “chưa biết tửu lượng của các vị còn lại ra sao”. Đôi khi vì tửu lượng mạnh quá nên dù uống hết “chai rượu của lòng tự trọng” thì vẫn cần thêm chai nữa mới đủ gan để nhận trách nhiệm.
Những gì VFF đã làm từ sau khi bầu Kiên “nổ bom” cho đến khi U23 thất bại tại SEA Games 26 chỉ toàn những giải pháp tình thế ngắn ngủi. Hết chuyện sa thải ông Goetz, họ lại tuyên bố sẽ chọn HLV nội mà quên mất rằng, nếu còn VFF như hiện nay, chắc gì đã có HLV nội nào dám nhận công việc tại đội tuyển. Nói cách khác, căn bản của vấn đề không phải là thay ai, làm cái gì mà là VFF có thay đổi hay không bởi với chừng ấy quyết định, rõ ràng VFF đang có vấn đề.

Nói ví dụ: chuyện ông Tuấn từ chức cũng chỉ là một kiểu “ném chuột mà sợ vỡ bình”. Ông Tuấn được giữ lại, nay đã rõ là do sợ sự ra đi của ông Tuấn sẽ kéo theo cả cuộc cải tổ tại VFF. Nhưng, như đã phân tích ở trên, ông Tuấn không thể đợi người ta “uống hết rượu” rồi lại đổ rượu mới vào nên tốt nhất là… rút lui trước.

Người không uống được rượu thì tốt nhất là không uống. Người uống nhiều thì tốt nhất là đừng để say. Nhìn tình cảnh của VFF hiện giờ, cầu mong là họ thuộc vế thứ hai, tức là tửu lượng cao để có uống hết chai rượu của lòng tự trọng vẫn biết là rượu ngon hay dở và còn đủ sức nhìn nhận bản thân mình. Sợ nhất là tửu lượng kém mà vẫn uống để rồi say quá, lại làm bậy.

Hồ Việt

Lăng kính 365 ngày: Ông chủ tịch

Tên của của ông Chủ tịch VFF có nghĩa là “vui vẻ”. Nhưng mấy tháng qua, ông xuống sắc thấy rõ. Ít thấy ông cười. Nhưng tất nhiên, ông vẫn nói. Vấn đề là càng nói, càng rối.

Ví dụ như chuyện sa thải HLV F.Gotez, mới nhất ông lại bảo “chưa chắc sa thải ông Goetz”. Làm Chủ tịch mà ông lại chẳng quyết được điều gì đặc biệt. Khi dư luận đang “đánh” ông Goetz thì ông lại bảo là HLV Goetz không có lỗi. Sau đó, khi BCH VFF 100% biểu quyết sa thải, tất nhiên ông cũng có trong 100% đó, thế mà lại bảo “chưa chắc sa thải” là sao? Thế thì ai là người đưa ra quyết định tối hậu về vấn đề của ông Goetz đây nếu không phải chính là ông Chủ tịch?

Rồi ông lại nói rằng, HLV nội sẽ là lựa chọn tiên quyết trong trường hợp sa thải HLV F.Goetz. Nói như thế khác nào HLV nội chỉ là “hạng 2”, chỉ là giải pháp mang tính bắt buộc. Nếu đang tín nhiệm HLV nội và coi đấy là lựa chọn mang tính chiến lược thì cứ sa thải thật nhanh ông Goetz chứ lấp la, lấp lửng làm gì nhỉ?

Khổ thân ông Chủ tịch. Cánh tay phải Trần Quốc Tuấn đã ra đi, cánh tay trái Phạm Ngọc Viễn cũng đi, người hậu thuẫn Lê Hùng Dũng cũng đang bân bịu với việc kinh doanh tại VPF, chỉ còn mỗi Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung. Tức là cuối cùng cũng chỉ còn lại người để… nói.

Khổ cho Chủ tịch VFF.

Việt Long


 

Người của tổ chức

Ông Trần Quốc Tuấn luôn nói mình là “người của tổ chức và chịu sự phân công của tổ chức”. Công việc 6 năm rưỡi của ông tại VFF cho thấy rất rõ quan điểm đó. Ví dụ ngay sau SEA Games 26, ông tuyên bố là chuyện tín nhiệm ông hay không là do VFF quyết định chứ không phải từ dư luận. Và khi BCH VFF bác đơn xin từ chức của ông, thì ông cũng nói là “sẽ suy nghĩ”. Bây giờ, ông đã từ chức. Chắc chắn đây không phải là ý nguyện của VFF. Vậy thì của ai?

Ông Trần Quốc Tuấn đang mang hàm Vụ trưởng tại Tổng cục TDTT, một cái chức to hơn so với vị trí TTK tại VFF. Vấn đề là ông Vụ trưởng ấy đang bị “đánh” tơi tả vì công việc tại VFF, điều đó cũng đồng nghĩa là uy tín của ông giảm sút. Một vị Vụ trưởng thì không nên như thế. Vậy thì phải chăng, đằng sau quyết định rút lui của ông Tuấn là có ý kiến từ phía Tổng cục TDTT.

Tổng cục TDTT không thể can thiệp trực tiếp vào công việc tại VFF nhưng vẫn có thể điều động ông Tuấn giữ một công việc cụ thể mà điều đó, buộc ông Tuấn phải nghỉ việc tại VFF bởi không thể cùng lúc làm công tác điều hành tại 2 nơi khác nhau. Tất nhiên, chuyện này nếu xảy ra cũng không được công khai để tránh vi phạm qui định của FIFA.

Ẩn sau câu chuyện này, có thể thấy là chính Tổng cục TDTT và cấp cao hơn là Bộ VH-TT-DL đã không thể ngồi yên trước tiếng nói mạnh mẽ từ xã hội đối với những rối rắm của VFF. Những vấn đề của VFF đang làm tổn hại đến chủ trương xã hội hóa thể thao bởi VFF là “đứa con” thành đạt nhất của ngành thể thao. Nhưng “ưu tú” như vậy mà còn bị xã hội phản ứng thì liệu các liên đoàn khác có đủ sức phát triển hay không khi nhìn thấy cái gương ấy. Dù không thể can thiệp trực tiếp nhưng chúng tôi tin rằng, Tổng cục TDTT không thể cứ khoanh tay đứng nhìn được. Đây đâu phải chỉ là chuyện của VFF mà là cả một định hướng lớn lao của cả ngành.

Và cuối cùng, những vấn đề của VFF một lần nữa cho thấy thật khó có thể xã hội hóa toàn diện thể thao nếu những cán bộ từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn có chân trong tổ chức xã hội. Đã có nhiều liên đoàn bế tắc về điều hành, nay đến VFF cũng suy sụp thì chắc chắn là chuyện vô cùng hệ trọng.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục