Từ thất bại tại Davis Cup - cần nhiều Lý Hoàng Nam

Một vấn đề nhạy cảm: Nếu có Lý Hoàng Nam thì liệu đội tuyển quần vợt Việt Nam có trụ lại nhóm 2 của khu vực châu Á hay không?

Một vấn đề nhạy cảm: Nếu có Lý Hoàng Nam thì liệu đội tuyển quần vợt Việt Nam có trụ lại nhóm 2 của khu vực châu Á hay không?

Không dễ trả lời câu hỏi này dù về lý thuyết, đội tuyển Việt Nam vắng tay vợt số 1 thì đương nhiên năng lực thi đấu sẽ giảm sút ít nhất 20% - 30%. Điều này có thể thấy rõ khi tay vợt Harshana Godamanna của Sri Lanka giúp đội nhà thắng 3 trận (2 trận đơn và 1 trận đôi). Nhưng không có nghĩa sự vắng mặt của Lý Hoàng Nam là nguyên nhân khiến đội tuyển thua Sri Lanka bởi dù tài năng đến mấy thì với thể thức thi đấu của nội dung đồng đội, sự đóng góp của Hoàng Nam cũng chiếm chưa quá 50% năng lực của đội tuyển.

Một vấn đề khác: Cứ cho là Lý Hoàng Nam góp mặt và giúp Việt Nam trụ lại ở nhóm 2. Điều này đâu nói lên được trình độ của quần vợt Việt Nam đã có tiến bộ mà chỉ khẳng định tài năng của cá nhân Lý Hoàng Nam mà thôi. Đây là điều đã xảy ra với trường hợp của Nguyễn Tiến Minh với cầu lông Việt Nam. Nói cách khác, cái mà quần vợt nói riêng hay thể thao Việt Nam nói chung cần là phải đầu tư thêm nhiều Lý Hoàng Nam khác. Trước khi làm được điều đó, tốt nhất là cứ để các cá nhân được phát triển tài năng theo cách riêng của mình thay vì cứ phải dằn vặt nhau về chuyện có hay không có họ ở những thành tích tập thể.

Thế nhưng, cái tư duy phát triển đồng đều ấy vẫn còn tồn tại trong thể thao Việt Nam. Hiện nay, việc đầu tư trọng điểm cho từng HCV tiềm năng vẫn chưa có kế hoạch ngoài môn bơi với Nguyễn Thị Ánh Viên sang Mỹ tập huấn 2 năm qua, bởi từ chỉ tiêu 2 - 3 HCV tại Asiad hiện thời lên đến con số gấp mấy lần như vậy vào năm 2019 thì cần phải tập trung đầu tư liên tục trong suốt một thời gian dài.

Chưa đủ điều kiện để phát triển mạnh, đều các môn thì phải có chiến lược, đừng mãi theo kiểu “cái gì cũng muốn tốt”. Cần xem lại các mục tiêu HCV tại những đại hội thể thao tầm cỡ như Asiad.

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục