Từ thất bại đến thất vọng

6/7 (3-7) và 3/6, thế là David Ferrer lại “sở hữu” thêm một trận thua đáng thất vọng trong bộ “sưu tập” thất bại của mình. Gần 2 tuần sau khi để thua tan nát trước Rafael Nadal trong trận chung kết Roland Garros, Ferrer để thua trận đấu thứ 11 trong năm theo một cách không thể chán nản hơn - bị loại ngay ở vòng 1 giải sân cỏ Topshelf Open (Rosmalen, Hà Lan) trước tay vợt người Bỉ thua anh đến 56 bậc trên bảng xếp hạng, Xavier Malisse. Nên nhớ, kể từ năm 2005 cho đến nay, Ferrer chưa bao giờ để thua Malisse. Vâng, khi anh đã lọt được đến trận chung kết Grand Slam đầu tiên sau… 42 lần nỗ lực, thì anh cũng có thể để thua một tay vợt kém danh sau 8 năm không hề thất thủ trước anh này.
Từ thất bại đến thất vọng

6/7 (3-7) và 3/6, thế là David Ferrer lại “sở hữu” thêm một trận thua đáng thất vọng trong bộ “sưu tập” thất bại của mình. Gần 2 tuần sau khi để thua tan nát trước Rafael Nadal trong trận chung kết Roland Garros, Ferrer để thua trận đấu thứ 11 trong năm theo một cách không thể chán nản hơn - bị loại ngay ở vòng 1 giải sân cỏ Topshelf Open (Rosmalen, Hà Lan) trước tay vợt người Bỉ thua anh đến 56 bậc trên bảng xếp hạng, Xavier Malisse. Nên nhớ, kể từ năm 2005 cho đến nay, Ferrer chưa bao giờ để thua Malisse. Vâng, khi anh đã lọt được đến trận chung kết Grand Slam đầu tiên sau… 42 lần nỗ lực, thì anh cũng có thể để thua một tay vợt kém danh sau 8 năm không hề thất thủ trước anh này.

Với Ferrer (ảnh), thành tích lọt đến chung kết Roland Garros là điều gì đó “cực kỳ to lớn”, nhưng thực ra, nó lại phản ảnh một sự “thiểu năng” trong quá trình phát triển, vận động đi lên của một tay vợt thường xuyên nằm ở Top 10 trong vài năm trở lại đây. Xếp ngay bên dưới Ferrer là rất nhiều tay vợt đã có lần đầu tiên, thậm chí lần thứ 2, thứ 3 lọt đến các trận chung kết Grand Slam từ rất lâu rồi, nhưng vì lý do gì mà anh lại… chậm chân đến như vậy? Câu hỏi đó, chắc chỉ có bản thân Ferrer mới có thể trả lời. Người ta chỉ thấy trớ trêu rằng, sau khi để thua Nadal ở French Open trong một trận đấu có thể gọi là cuộc so tài giữa 2 tay vợt “đồng cân đồng lạng”, Ferrer lại vươn lên ngôi hạng 4 thế giới, đẩy Nadal xuống vị trí thứ 5. Đây là lần thứ 3 trong mùa giải năm nay, Ferrer vươn vào “nhóm tứ đại gia”, nhưng cũng giống như xưa kia chưa ai từng công nhận Andy Murray cho đến khi anh này tạo ra “các biến cố” ở Olympic London và US Open, Ferrer cũng chưa bao giờ được xem là “tứ đại danh bộ” của ATP cho đến khi nào anh thật sự chứng tỏ mình xứng đáng với vị thế đó, bằng cách đăng quang ở một Grand Slam bất kỳ, không cần biết trên mặt sân nào.

Nhân tiện nói về mặt sân, thì Ferrer vừa rời khỏi mặt sân đất nện sở trường để chuẩn bị cho mùa giải sân cỏ mà anh rất dị ứng. Có thể nêu một vài thông số kỹ thuật để chứng minh điều này: ở mùa giải năm ngoái, thành tích trên mặt sân cỏ của Ferrer ở các giải đấu lớn là thắng 5 trận - thua 2 trận, và anh toàn thắng 5 trận ở s-Hertogenbosch nhưng đều trước các tay vợt ngoài Top 50, thậm chí ngoài Top 100; ở mùa giải 2011, Ferrer bị loại ngay ở vòng 4 của Wimbledon; còn ở mùa giải 2010, anh cũng để thua ngay ở vòng 4. Ferrer chưa bao giờ là một tay vợt giỏi trên mặt sân cỏ (cũng như anh chưa bao giờ được xem là một tay vợt lớn ở ATP Tour), nhưng cách anh thua Malisse quá kỳ quặc!

Một tay vợt vừa lọt đến chung kết Grand Slam trên mặt sân đất nện không nên để thua ngay ở vòng 1 một giải sân cỏ kém tiếng, giải đấu mà Ferrer được cho là lựa chọn để “né” sự hiện diện của những tay vợt mạnh như Andy Murray, như Roger Federer (mà trình độ “cao bồi né đạn” của Ferrer thì vốn đã đạt mức “thượng thừa” - khi anh thường xuyên chọn các giải đấu nhỏ, lẻ để kiếm điểm, kiếm tiền và “né” được nhiều tay vợt lớn). Sau trận thua bất ngờ này, Ferrer nói: “Xavier là một tay vợt giỏi” dù điều này rất ít người thừa nhận, sau đó, Ferrer lại thừa nhận thêm rằng anh mới… tập luyện trên mặt sân cứng ở quê nhà hồi cuối tuần rồi (!?). Thật sự không ai hiểu lý do Ferrer tiết lộ lịch tập luyện “lãng nhách” của mình. Có thể là anh bịa ra để biện minh cho trận thua “trời ơi”, có thể anh đã nói thật - nếu vậy anh hẳn có vấn đề về mặt thần kinh vì không ai vừa rời khỏi mặt sân đất nện và chuẩn bị thích nghi với mặt sân cỏ lại đi tập luyện trên mặt sân cứng cả. Ferrer chưa bao giờ là một tài năng thích nghi nhanh chóng với các loại mặt sân như Nadal, Novak Djokovic, mà ngay cả các anh này cũng chưa bao giờ làm những chuyện trái khoáy như thế này.

Quá nhiều điều kỳ quặc xảy ra với Ferrer trong mùa giải năm nay, nhưng tựu chung lại, bên cạnh vài hình ảnh hào nhoáng thì chỉ có một kết cục - đó là từ thất bại đến thất vọng, và ngay ở thời điểm này, người ta vẫn có thể nhận xét một cách thẳng thắn, dù hơi “võ đoán” rằng: “Ferrer sẽ không bao giờ sánh ngang với Murray, chứ đừng nói đến Federer, Nadal hay là Nole”. Thậm chí, nếu không cẩn trọng, anh cũng sẽ bị những người xếp ngay ở phía sau là Jo-Wilfried Tsonga, hay là Tomas Berdych tăng tốc và qua mặt…

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục