Trong lịch sử 75 năm của World Championship carom 3 băng, đây chỉ mới là lần thứ 3 trận chung kết là cuộc so tài giữa 2 tay cơ cùng đến từ một quốc gia và Bao Phương Vinh là người đầu tiên vô địch ngay lần đầu tham dự.
Billiards Việt Nam đang ở những ngày tháng đẹp, khi 2 nhà đương kim vô địch của 2 giải đấu lớn nhất carom 3 băng thế giới là World Cup (6-7 kỳ mỗi năm) và World Championship (1 lần/năm) đều là người Việt Nam. Từ tấm HCV lịch sử của huyền thoại Lý Thế Vinh ở nội dung carom 3 băng tại SEA Games 19 (năm 1997) đến nay, billiards Việt Nam đã trở thành “cường quốc” ở nội dung này.
Có một sự trùng hợp thú vị là cả người đưa billiards Việt Nam ra ánh sáng và nhà tân vô địch thế giới đều cùng tên Vinh, vậy nhưng cuộc hành trình giữa 2 cái tên ấy lại có nhiều khác biệt đáng suy nghĩ.
Thời của Lý Thế Vinh, như chính ông kể, đa số dân chơi billiards chuyên nghiệp đều rèn bản lĩnh qua các trận “đánh ăn tiền”. Chơi billiards khi đó hoặc phải là người dư dả thời gian và tiền bạc, hoặc là dân đánh “cơm gạo”. Vì thế, dù có nhiều đóng góp cho thành tích chung của thể thao Việt Nam trên các đấu trường SEA Games, Asiad, nhưng VĐV billiards lại không nhận được nhiều thiện cảm từ người hâm mộ thể thao. Và cũng bởi thế mà Việt Nam cũng chỉ mạnh ở các nội dung carom do yếu tố bình dân, phù hợp với môi trường “đánh ăn tiền”, hơn là các nội dung snookers vốn phổ biến hơn trên thế giới.
Trong khi đó, Bao Phương Vinh năm nay 28 tuổi, mới chơi billiards chuyên nghiệp hơn một năm nay bởi trước đó anh chuyên tâm vào việc học tập, dành thời gian du học lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Australia. Thời của Lý Thế Vinh, đi đâu cũng thấy bàn billiards từ bình dân đến phòng máy lạnh; còn bây giờ, người chơi billiards phải đến các CLB và số lượng điểm chơi cũng không nhiều.
Bản lĩnh của Lý Thế Vinh được tích lũy từ hàng trăm, hàng ngàn trận đấu, còn với một cơ thủ trẻ như Bao Phương Vinh, anh phải học và nghiên cứu kỹ các bộ nút số mang tính khoa học của môn chơi này nhờ kinh nghiệm từ việc học tập của mình. Thời gian chơi chuyên nghiệp của Bao Phương Vinh không nhiều, nhưng yếu tố chuyên nghiệp xét ở góc độ thể thao đỉnh cao, Phương Vinh có đủ, không kém những huyền thoại trong làng billiards carom vốn tích lũy hàng ngàn giờ đấu.
Sự khác biệt giữa 2 thế hệ cho chúng ta thấy rõ con đường tất yếu để vươn đến đỉnh cao trong thể thao vẫn là tính chuyên nghiệp của VĐV và khả năng đầu tư vào thế mạnh của mình. Cơ thủ ngày xưa rèn bản lĩnh và kiếm tiền thông qua các trận đấu, còn hiện tại muốn tiến nhanh về đẳng cấp thì phải tự bỏ tiền túi tham gia các giải đấu hàng đầu thế giới để được cọ xát, tích lũy. Cùng mục đích nhưng 2 con đường khác nhau, thời gian vươn đến đỉnh cao cũng sẽ khác.
Đây chính là cách mà chúng ta đang nói về chiến lược đầu tư trọng điểm trong thể thao đỉnh cao và không có chọn lựa nào tốt hơn ngoài việc phải thúc đẩy các yếu tố chuyên nghiệp, nhà nghề để tạo cơ hội cọ xát, va đập liên tục cho VĐV. Chỉ có như vậy mới thấy được đâu là những môn tiềm năng và những môn chỉ phát triển được phong trào, tránh lãng phí trong đầu tư.