Như vậy, nếu tính từ vòng loại giải U.23 châu Á (từ ngày 19 đến 23-7) thì trong khoảng hơn 1 tháng sắp đến, đội tuyển U.22 Việt Nam sẽ đá tổng cộng 8 trận chính thức ở 2 giải đấu liên tiếp, trong đó có đến 5-6 trận “rất quan trọng”. Đấy là chưa tính đến trường hợp vào bán kết, chung kết SEA Games.
Không biết những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đã tính đến mật độ thi đấu này chưa, trong khi vẫn đặt mục tiêu tìm vé dự VCK U.23 châu Á cũng như mục tiêu đoạt HCV SEA Games. Nếu cả 2 giải đều muốn thành công, đều tung đội hình tốt nhất ra sân, thì đâu là điểm rơi của đội U.22 Việt Nam?
Để chuẩn bị cho 2 giải đấu này, đội tuyển U.22 tập trung khá sớm (từ ngày 3-7), sau đó “tập chay” suốt cho đến lúc thi đấu 3 trận ở vòng loại U.23 châu Á (ngày 19-7), kế tiếp mới bắt đầu đá tập huấn (dự kiến 4 trận) với các CLB của Hàn Quốc, rồi mới dự SEA Games. Với một quá trình thi đấu gần như liên tục như vậy, thật khó biết lúc nào là thời điểm tích lũy thể lực, lúc nào mới chuẩn bị chiến thuật.
Như đã biết, các cầu thủ của đội tuyển U.22 gần như thi đấu liên tục suốt từ đầu năm 2016 đến nay, khi họ là thành viên của các đội tuyển U.19, U.23, đội tuyển quốc gia cũng như các CLB. Một cầu thủ mới 20 tuổi như tiền đạo Hà Đức Chinh cũng đã chơi gần 40 trận đấu, không có thời gian nghỉ ngơi. Những cầu thủ như Vũ Văn Thanh, Công Phượng đá hơn 50 trận trong vòng 1 năm rưỡi qua… Thế nên, nhìn vào lịch thi đấu sắp đến, khó mà hình dung họ sẽ duy trì phong độ của mình bằng cách nào.
Liên quan đến kết quả bốc thăm SEA Games 29, HLV của đội tuyển U.22, ông Nguyễn Hữu Thắng đánh giá: “Tôi nghĩ chúng ta đừng nên quan tâm vào việc rơi vào bảng đấu nào, 5 đội hay 6 đội, Thái Lan, Indonesia hay Philippines… Việc cần làm là phải tập luyện và chuẩn bị thật tốt để có thể sẵn sàng thi đấu với bất kỳ đối thủ nào”. Theo kế hoạch, ngày 14-7, đội U.22 sẽ di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM để chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á diễn ra trên sân Thống Nhất với các đội Hàn Quốc, Macau và Timor-Leste trong khuôn khổ bảng.