Giống như một “Olympic thu nhỏ”, giải bơi lội vô địch thế giới (VĐTG) quy tụ hầu hết các kình ngư xuất sắc nhất, mức độ cạnh tranh vì thế không khác nhiều so với cuộc chiến ở Olympic mùa hè. Tức là giá trị của những tấm huy chương ở sân chơi này không hề thua kém đấu trường kia. Thậm chí, giới làm nghề còn khẳng định thước đo để đánh giá sự tiến bộ và tốc độ phát triển bền vững của một nền bơi lội cũng xuất phát từ đây, từ sân chơi 2 năm được tổ chức một lần này.
Nói cách khác, giải VĐTG và Olympic luôn bổ trợ cho nhau để cùng tiến bộ, để cùng khai thác nguồn cảm hứng chiến thắng vô tận của những kình ngư tài năng nhất. Dĩ nhiên, đấy cũng chính là những “trường học lý tưởng” cho bơi lội các quốc gia đang và chưa phát triển ở châu Á và châu Phi.
Thế nên, việc được góp mặt ở giải bơi lội VĐTG 2015 đối với Ánh Viên, Quý Phước hay một số VĐV khác của đội tuyển Việt Nam có thể coi như một trải nghiệm tuyệt vời. Theo cách này hay cách khác, họ sẽ học hỏi được nhiều thứ. Sau giải VĐTG, không kỳ vọng những niềm hy vọng của bơi lội Việt Nam sẽ tiến bộ thần tốc, mà chỉ mong bản thân mỗi người luôn ý thức được vận động thể thao là một sự vận động liên tục, thành hay bại phụ thuộc vào ý chí và nỗ lực vượt qua khó khăn của chính mình.
Có câu “cứ đi sẽ thành đường”, cứ hòa mình vào cuộc chơi để thấy bạn bè tài giỏi đến mức nào, để thấy thế giới rộng lớn ra sao và để thấy mình cần phải phấn đấu gấp nhiều lần nữa mới bằng được, thì tự khắc tài năng cộng với sự khổ luyện sẽ giúp Ánh Viên, Quý Phước, Quang Nhật, Duy Khôi… tiến bộ.
Mỗi thất bại ở giải VĐTG đương nhiên không làm cho cô gái vàng Ánh Viên nản chí. Trái lại, kinh nghiệm tích lũy từ các cuộc tranh tài sở trường cự ly 200m tự do, 200m cá nhân hỗn hợp sẽ giúp cô cải thiện những điểm yếu tốc độ và kỹ thuật để bơi tốt hơn trong tương lai.
Nhưng cũng có điều còn băn khoăn khi thử đưa ra so sánh về 2 cuộc đầu tư của thể thao Việt Nam cho Ánh Viên và Quý Phước. Nếu như nữ kình ngư Ánh Viên vươn lên mạnh mẽ thời gian gần đây thì Quý Phước có vẻ chững lại. Thậm chí, chấn thương dai dẳng của Quý Phước buộc anh hôm qua phải xin rút lui khỏi cự ly 100m bơi bướm, đồng thời đề xuất không tiếp tục tập huấn tại Nhật Bản vì hiệu quả không cao.
Ngược dòng thời gian, trục trặc giữa Đà Nẵng và Tổng cục TDTT trước thềm Olympic London 2012 đã ảnh hưởng đến quá trình đầu tư cho Quý Phước, để đến giờ này, thay vì có thể tranh chấp ngang ngửa với Joseph Schooling của Singapore hay thậm chí tạo được dấu ấn ở giải vô địch châu lục, thế giới, thì kình ngư này đang khựng lại.
Tiếc cho Quý Phước và tiếc cho bơi lội Việt Nam. Trước anh, “ếch nhỏ” Nguyễn Hữu Việt từng trở thành sự tiếc nuối lớn lao, vì nếu được chăm chút cẩn thận, sức vươn của kình ngư người Hải Phòng đã vượt khỏi “ao làng” SEA Games từ lâu rồi mới phải. Và có lẽ, khi đã từ giã cuộc chơi, chính Hữu Việt cũng cảm thấy ấm ức dù anh là kình ngư đầu tiên của bơi lội Việt Nam giành được HCV ở đấu trường khu vực.
Trở lại với vấn đề của Quý Phước. Đây là thời điểm cần sự đồng lòng của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản - ngành TDTT Đà Nẵng, cần một chiến lược đầu tư cẩn trọng để có thể giúp anh mau chóng thoát khỏi ám ảnh chấn thương, chọn được nơi tập huấn phù hợp sau giải VĐTG 2015 tại Nga, chuẩn bị cho chiến dịch lớn Olympic 2016 đã rất gần ở phía trước…
LÊ HÙNG