Ông Phấn đã trả lời truyền thông trong ngày 2-8 tại làng VĐV Olympic ở Tokyo (Nhật Bản). Trưởng đoàn thể thao của Việt Nam cho rằng: “Olympic là đấu trường khó khăn với thể thao Việt Nam. Không phải các môn, các VĐV của chúng ta đến Olympic để tranh chấp huy chương mà chỉ số ít trong đó có đủ khả năng thực hiện điều này. 18 tuyển thủ dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Olympic”.
“Các tuyển thủ của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau, có tuyển thủ dự Olympic bằng suất chính thức (ví dụ Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và kết quả thi đấu của Huy Hoàng thể hiện rõ điều đó. Có VĐV khác đến Olympic qua việc tích điểm giành suất, một số VĐV dự bằng vé mời như Lan (điền kinh), Vinh (bắn súng), Viên (bơi)... Điều đó cho thấy, khoảng cách của thể thao Việt Nam với đầu trường Olympic vẫn còn xa”, Trưởng đoàn chia sẻ cụ thể.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nói thêm: “Sau kết quả chưa thành công của một số VĐV, một số cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá vấn đề này và Đoàn thể thao Việt Nam xin cám ơn qua đó ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung và sự phát triển của thể thao nước nhà. Tuy nhiên, việc giải quyết được bài toán đầu tư làm sao thể thao Việt Nam tranh chấp được tại đấu trường lớn như Asian Games, Olympic đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, kể cả điều chỉnh mục tiêu với từng Đại hội thể thao và quan điểm đầu tư xây dựng kết hoạch, đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng, sau 1 hoặc 2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của chúng ta sẽ đến giải với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương”.
Dự kiến ngày 4-8, Đoàn thể thao gồm thành viên đội boxing, cầu lông bắn cung, bơi, điền kinh và cán bộ, bác sĩ, phóng viên của chúng ta sẽ về nước.