SEA Games 29-2017 này, thể thao Việt Nam cũng có quân số trọng tài được mời tham gia điều hành tại đại hội.
Trọng tài Việt Nam đông đảo…
Trọng tài Việt Nam đông đảo…
Theo tìm hiểu, 2/3 số môn mà Việt Nam đăng ký thi đấu tại SEA Games 2017 thì đều có trọng tài người Việt Nam được mời tới Malaysia làm điều hành chuyên môn. Tuyển bắn súng có 2 trọng tài Bùi Thị Kim Yến, Hoàng Văn Vân sẽ đi Malaysia làm việc tại kỳ SEA Games 2017. Môn wushu có trọng tài Lê Quang Huy. Môn karatedo có 3 trọng tài (Vũ Văn Huế, Đỗ Tuấn Cương, Nguyễn Anh Tuấn) được BTC môn karatedo tại SEA Games 2017 mời điều hành thi đấu. Ở bóng chuyền, 2 trọng tài Nguyễn Thị Thanh Hoa và Nguyễn Quốc Huy sẽ có mặt trên sân để tham gia điều hành những trận bóng ở SEA Games này.
Với bắn cung, nữ trọng tài Nguyễn Ngọc Thụy Vy là người lần thứ 2 liên tiếp được ban tổ chức SEA Games mời tham gia làm việc. Trước SEA Games 2017, Thụy Vy từng là trọng tài điều hành môn bắn cung ở SEA Games 2015. Tại SEA Games 2017, bóng bàn Việt Nam có trọng tài Nguyễn Tiến Hùng là người được mời góp mặt làm việc chuyên môn. Chưa kể, các môn võ thuật của Việt Nam đều có đội ngũ trọng tài được suất tới SEA Games 2017 tham dự, judo 1 người, muay 2 người... Về nguyên tắc, BTC chủ nhà Malaysia quyết định đưa chỉ tiêu mời trọng tài từng môn cụ thể rồi gởi các quốc gia tham dự SEA Games 2017. Việc lựa chọn trọng tài do môn thể thao đó quyết định dựa trên khả năng chuyên môn của trọng tài, cũng như họ phải có ngoại ngữ, bằng cấp châu Á, thế giới đúng tiêu chuẩn.
Trong thi đấu, trọng tài ở môn đối kháng, đặc biệt là võ thuật, đóng vai trò quan trọng. Quyết định của trọng tài là phản ánh trực tiếp tới thắng-thua của VĐV ngay trên sàn đấu. Đồng thời, nếu quốc gia có trọng tài tham gia điều hành ở môn đó tại Đại hội, ít nhiều vị thế được vị nể hơn. Đó là lý do vì sao, những trọng tài của môn đối kháng võ thuật được ví có thể tác động tới 50% khả năng chiến thắng của 1 VĐV.
... nhưng chưa hẳn đã quyết định tất cả
Điền kinh Việt Nam chưa bao giờ có trọng tài tham gia điều hành tại SEA Games. Tại SEA Games 2017 này, chúng ta cũng không có trọng tài nào. Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy từng chia sẻ: “Bản thân môn thi đấu được tính thành tích chính xác theo mét, dây và trọng tài không quyết định cụ thể về kết quả nên vai trò của họ không thể mang tính phủ quyết được”. Ngoài ra, trọng tài điền kinh của Việt Nam muốn được đi điều hành giải quốc tế phải có bằng cấp của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) cấp. Hiện tại, chúng ta chưa có trọng tài được cấp bằng quốc tế như vậy.
Một người thường xuyên được mời dự ở vai trò trọng tài quốc tế là TTK Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Hoàng Mạnh Cường. Tuy nhiên, rất ít khi người ta thấy vai trò quyết định của ông Cường ở những giải quan trọng ấy. Tại SEA Games hay các đại hội quốc tế, ở môn điền kinh, vai trò của lãnh đội hoặc HLV mới quan trọng bởi họ được quyền khiếu nại trong trường hợp VĐV của mình bị sai thành tích.
Còn nhớ ở SEA Games 2011 tại Indonesia, điền kinh Việt Nam gặp sự cố Nguyễn Đình Cương bị đối thủ người Malaysia kéo áo và không được tính thành tích. Ngay lúc đó lãnh đội điền kinh Việt Nam đã khiếu nại và BTC môn điền kinh xem lại băng hình rồi quyết định tước huy chương của VĐV Malaysia, trao lại cho Nguyễn Đình Cương. SEA Games 2015, khi kết quả chấm điểm không thống nhất của các trọng tài, BHL đội nữ taekwondo nội dung biểu diễn quyền của Việt Nam đã khiếu nại thành công và chúng ta đã giành được HCV.
Một số minh chứng để thấy, vai trò lãnh đội và HLV có quyết định đáng kể. Dù sao, thể thao luôn cần sự công bằng và công tâm nên không ai muốn xảy ra chuyện và phải khiếu nại.