Nói như Roger Federer, tình trạng này sẽ suy giảm nếu các nhà tổ chức Grand Slam thay đổi thể thức thi đấu, từ 5 ván thắng 3 chuyển sang thành 3 ván thắng 2, điều đó có nghĩa là, các trận đấu quần vợt – khi đó – sẽ giống với “một cuộc chạy đua nước rút tốc độ về vạch đích, hơn là “một cuộc chạy marathon đường trường”, nhưng những người mà Federer cảm thấy hối tiếc nhất, không phải là bất kỳ một tay vợt nào rơi vào trường hợp này, mà chính là các CĐV.
Sự cảm thông dành cho những tay vợt chấn thương buộc phải bỏ cuộc đã giảm sút đáng kể sau những gì mà người ta chứng kiến ở sân Trung tâm hôm thứ ba đầu tuần. Nhiều khán giả cảm thấy giống như là họ “bị cướp tiền vé” khi chỉ xem 2 trận đấu của Federer và Novak Djokovic trong vỏn vẹn 82 phút đồng hồ (nghĩa là còn chưa bằng thời lượng 90 phút thi đấu của một trận đấu bóng đá). Đám đông lên đến 15 ngàn người đã phải chứng kiến những kết cục vô nghĩa khi Martin Klizan và Alexandr Dolgopolov liên tục xin bỏ cuộc ngay ở ván đấu thứ 2. Điều đó khiến cho sân Trung tâm, lần đầu tiên trong lịch sử, phải đóng cửa một cách vô cùng sớm sủa, mới khoảng 4 giờ 50 chiều (theo giờ địa phương), lịch đấu đã không còn trận nào.
Tình trạng chấn thương của cả Klizan lẫn Dolgopolov được cho là đã có trước khi họ tham dự giải đấu tại All England Club năm nay, và rõ ràng, họ biết rõ tình trạng sức khỏe của mình là như thế nào. Điều đó dẫn đến kiến giải, cả 2 tay vợt này đều lường trước được việc, có khả năng họ không thể hoàn tất trận đấu của mình. Đó là lý do, cả 2 đang bị dư luận chê bai là “quá ích kỷ” khi mang đến những trận đấu quá ngắn ngủi cho các CĐV xem và không dành cơ hội thi đấu cho những tay vợt sung sức thật sự.
“Chúng ta có một điều luật quy định về việc những gã nào bước ra sân đấu mà rõ ràng không cống hiến hoặc cống hiến không hết 100% khả năng của mình trong suốt trận đấu. Như vậy là không tốt cho bất kỳ ai. Vẫn có những chàng trai đang chờ đợi ngoài đó, chờ đến cơ hội may mắn của mình, và nghĩ rằng họ có khả năng cống hiến hết mình ở sân đấu Trung tâm”, huyền thoại quần vợt Mỹ John McEnroe đã nói về “vấn nạn bỏ cuộc do chấn thương, nhưng đã lường trước được” khi bình luận trên BBC.
Chỉ trong 2 ngày đầu tiên của giải đơn nam Wimbledon 2017, đã có đến 7 tay vợt “tung khăn trắng đầu hàng”. Tay vợt ngổ ngáo người Australia, anh Nick Kyrgios, là người “khởi xướng phong trào bỏ cuộc do chấn thương”. Anh không kịp hồi phục ca chấn thương hông mà anh dính ở Queen’s Club hồi 2 tuần trước. Sau đó, đến lượt Denis Istomin và Victor Troicki nối gót Kyrgios. Rồi đến Klizan, Dolgopolov – như chúng ta đã biết, và sau đó là Janko Tipsarevic và cả nhà vô địch Queen’s Club là Feliciano Lopez. Anh này đã bỏ cuộc mà thậm chí quên rằng, anh từng nói cơ hội ở Wimbledon năm nay là “rộng mở” cho tất cả mọi người, rằng chính bản thân của anh cũng có một cơ hội tranh đoạt danh hiệu.
Thực ra, việc các tay vợt này lựa chọn chuyện “chấn thương và bỏ cuộc khi đang chơi trận đấu vòng 1”, thay vì “lường trước tình thế và rút lui trước khi giải đấu diễn ra” là rất dễ hiểu. Chế độ tiền thưởng của ATP cho phép họ có một khoản tiền “lót tay” rất lớn nếu xuất hiện ở vòng đ61u đầu tiên của đấu trường Grand Slam. Chế độ tiền thưởng này mới chỉ được áp dụng từ 2 mùa giải trở lại đây. Người thua cuộc ngay ở vòng 1 của đấu trường Wimbledon năm nay, vẫn nhận được tờ ngân phiếu trị giá 35 ngàn Bảng (45.216,50 USD). Đó được cho là yếu tố chủ yếu khiến một số tay vợt không khỏe vẫn có chơi “trò chơi đánh đố dư luận”. Chế độ tiền thưởng của ATP, được cho là có giá trị nhân văn vì khuyến khích những kẻ thua trận, giờ đây lại trở thành cơ sở “dung dưỡng” cho những kẻ không đủ sức thi đấu nhưng vẫn “lết” vào các trận đấu vòng đầu tiên.
“Có rất nhiều tiền. Với một số người, nó còn nhiều hơn, dù với một số người khác, nó không hẳn là như vậy”, Federer thừa nhận. Federer là một trong những người “hưởng lợi tiếp theo” từ việc đối thủ phải bỏ cuộc do không đủ sức hoàn thành trên đấu. Anh đang dẫn tay vợt người Ucraina là Dolgopolov với điểm số 6-3, 3-0, 30-30 trước khi đối thủ này bỏ cuộc. Dù thắng thế này rất có lợi về mặt thể lực, Federer vẫn không cảm thấy thống khoái, ngoài ra, tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sỹ cũng nghĩ rằng, các giải đấu Grand Slam, các hệ giải thuộc ATP nên áp dụng tiến hành một hệ thống bồi thường tài chính.
Về phần mình, Kyrgios cho biết anh đã nhận được lời khuyên từ bác sĩ nhưng vẫn lựa chọn bước ra sân đấu vì “đây là giải đấu mà tôi yêu thích nhất”. Còn về phần Dolgopolov, theo Federer, tay vợt người Ucraina đã quyết định giảm thiểu kết quả thua vì anh ấy “cảm thấy quá đau khi cầm giao bóng”. Trong mỗi trường hợp, nhân viên y tế đều được gọi vào sân đấu để trở giúp các tay vợt bị chấn thương, ở đây là Kyrgios và Dolgopolov, nhưng những liệu pháp tức thời trên sân, như là xoa bóp, chích thuốc giảm đau, đều không thể cứu vãn tình thế.
Dù có nói thế nào, “trò chơi chấn thương” đã, đang và vẫn sẽ là một phần đáng kể trong quần vợt chuyên nghiệp thời hiện đại!