Không giống như mùa hè năm ngoái, các CLB Ligue 1 rất “án binh bất động” trên thị trường chuyển nhượng. Nguyên nhân là do World Cup 2010 vừa kết thúc, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các CLB không còn tìm được người mua, đồng thời đang chịu áp lực nặng nề về tiền lương ở CLB.
Mùa hè năm ngoái, các CLB Ligue 1 đã chi 238 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. 89 cầu thủ và nhiều ngôi sao như Lisandro Lopez và Lucho Gonzalez đã đầu quân cho Ligue 1. Một năm sau, thị trường chuyển nhượng ở Pháp rất yên tĩnh. Các CLB hoạt động tích cực nhất của năm ngoái giờ lại quyết định “án binh bất động”.
Lyon từng chi số tiền kỷ lục 75 triệu euro, theo sau là Marseille chi 40,5 triệu euro. Nhưng lần này, Lyon chỉ mới chi 6 triệu euro mua tiền đạo Jimmy Briand từ Rennes và Marseille chi 7 triệu euro mua hậu vệ Cesar Azpilicueta. Tồi tệ hơn, Bordeaux (từng bỏ ra 15 triệu euro để giữ chân ngôi sao Yoann Gourcuff mùa qua) không có nguồn thu nhập từ Champions League và hiện chỉ mới tuyển mộ Vujadin Savic với giá 2 triệu euro. Chủ tịch Jean-Michel Aulas của Lyon giới hạn mức chi tiêu cho việc tuyển mộ năm nay là 25 triệu euro.
Tại sao thị trường chuyển nhượng lại đóng băng như thế? Theo chuyên gia chuyển nhượng Stephane Canard, trước tiên là do World Cup 2010 vừa kết thúc, gây “chậm trễ” cho thị trường chuyển nhượng.
Còn chuyên gia chuyển nhượng Stephane Crouzel thì giải thích trên tờ L’Equipe: “Nhiều Giám đốc thể thao của các CLB có mặt ở World Cup tại Nam Phi để quan sát các cầu thủ. Ngay cả các Giám đốc thể thao của CLB Vannes (Ligue 2) cũng đến Nam Phi. Do đó, thị trường chuyển nhượng năm nay có phần chậm trễ. Từ nay, với các trận giao hữu trước mùa giải, các HLV bắt đầu rà soát lực lượng và xác định họ cần gì. Hy vọng thị trường sẽ sôi động hơn. Sẽ có hiệu ứng dây chuyền ngay khi một CLB có những động thái tích cực. Đến ngày 10-8, thị trường sẽ thực sự khởi động”. Và ngày 10-8, Ligue 1 đã khởi tranh.
KHÔNG CÓ NGƯỜI MUA
Hiện tại, chủ trương của các CLB vẫn như nhau: phải bán cầu thủ trước khi mua. Vấn đề nằm ở chỗ không có nhiều người mua. Chủ tịch Philippe Piat của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Pháp (UNFP) nhận định: “Có quá nhiều cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng và nhiều CLB muốn bán lại cầu thủ”. Vậy liệu cuộc chuyển nhượng Hatem Ben Arfa có giải tỏa được bế tắc trong khâu tuyển mộ của Marseille? Có thể. Nhưng Lorient (dù bán Laurent Koscielny cho Arsenal với giá 12,5 triệu euro) chẳng chi tiêu nhiều cho việc tuyển mộ. Bởi, từ một năm nay, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các CLB Ligue 1. Theo cơ quan quản lý tài chính quốc gia Pháp (DNCG), các CLB Ligue 1 lỗ 34,5 triệu euro năm 2009, 100 triệu euro năm 2010 và ước tính sẽ lỗ 150 triệu euro năm 2011.
Tất nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng đến thị trường chuyển nhượng của các nước châu Âu, nên các cầu thủ Pháp không có người mua. Tổng Giám đốc Philippe Diallo của Hiệp hội các CLB bóng đá chuyên nghiệp Pháp (UCPF) giải thích: “Công chúng từng ấn tượng với các cuộc chuyển nhượng lớn của Real Madrid ở Tây Ban Nha, của Lyon và Marseille ở Pháp, cũng như nỗ lực giữ chân Yoann Gourcuff của Bordeaux. Nhưng ngoài những điều ấy, thị trường chuyển nhượng khá ảm đạm. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động đến bóng đá Pháp mùa giải 2009-2010 và tình trạng nợ nần của các giải VĐQG láng giềng làm giảm khả năng đầu tư của họ. Nhiều CLB chỉ muốn giảm ngân sách tiền lương. Họ chờ bán cầu thủ rồi mới tính chuyện mua”.
GIẢM LƯƠNG
Chủ tịch Lyon Jean-Michel Aulas từng cảnh báo hồi tháng 5 rằng bóng đá rơi vào “vùng xoáy” của cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông bức xúc trước việc bãi bỏ bản quyền hình ảnh tập thể (DIC) vốn “cướp mất 7 triệu euro của Lyon. Chính phủ chẳng làm gì để bù lỗ và giờ đây chúng tôi đang đứng trên cát”. Thế nên, các CLB tự thân vận động để bù đắp sự thiếu hụt bằng cách giảm lương và ưu tiên tuyển mộ cầu thủ tự do để không phải trả tiền bồi thường chuyển nhượng. Một chuyên gia chuyển nhượng nói trên tờ Journal du Dimanche: “Tình hình thật phức tạp. Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của cuộc khủng hoảng vốn sẽ kéo dài trong 2 hoặc 3 năm. Các CLB tìm cách tuyển mộ cầu thủ đang ở giai đoạn kết thúc hợp đồng. Bởi với những cầu thủ còn thời hạn hợp đồng thi đấu, giá chuyển nhượng rất cao”.
Điều đáng nói là trong khi các ngôi sao vẫn được hưởng mức lương cao ngất ngưỡng, thì đa số cầu thủ đang đối mặt với nguy cơ bị giảm lương. Chủ tịch Aulas nói trên tờ L’Equipe: “Hiện tại, có sự phản kháng quyết liệt của các đại diện và cầu thủ của họ. Họ không muốn bị giảm lương bắt buộc từ 25% đến 30%. Ở Lyon, chúng tôi sẽ dần dần áp dụng việc giảm lương trong kế hoạch 3 năm”.
NENE, TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ
Theo Journal du Dimanche, mức lương trung bình ở Ligue 1 giảm từ 47.700 euro/năm xuống còn 45.300 euro/năm. Kết quả: một số cầu thủ thích ở lại CLB, dù phải thi đấu ít, còn hơn là bị giảm lương ở CLB khác. Điển hình là trường hợp của Ludovic Giuly hoặc Jerome Rothen ở Paris.SG. Laurent Bonnart rời khỏi Marseille vì không hài lòng với đề nghị… tăng lương từ 80.000 euro lên 100.000 euro/tháng, nhưng hiện tại anh vẫn chưa có CLB nào đề nghị tuyển mộ. Phần lớn các CLB mua cầu thủ hết hợp đồng như AS Monaco (mua Hansson và Niculae), Lille (Sow), Nancy (Vahirua), St.Etienne (Marchal). Chỉ có Paris.SG là trường hợp ngoại lệ khi bỏ ra 9 triệu euro mua Mathieu Bodmer và Nene. Đặc biệt, họ trả lương 2 triệu euro/năm đã trừ thuế cho Nene.
CÔNG ĐẠM