“Người đông quá, tiếng ồn ngập vào tai, kèm theo từng cử động của chân tôi”, Abaroge nói. “Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi về Stade de France. Thật không thể tin được khi được tham gia cuộc đua này ngay tại Pháp, đất nước đã cứu mạng tôi. Đất nước nơi tôi đang sống. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã biến giấc mơ này thành hiện thực”.
Abaroge, 30 tuổi, là thành viên đoàn thể thao người tị nạn thuộc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đại diện cho hơn 100 triệu người phải di cư ra khỏi đất nước mình vì nhiều lý do. Khi Abaroge bước ra đường đua cùng với những cái tên vĩ đại như Nelly Chepchirchir của Kenya và Elle Purrier St Pierre của Mỹ, đây là lần đầu tiên cô đặt chân vào một sân vận động lớn như thế này.
Abaroge trốn khỏi quê hương Ethiopia 8 năm trước vì bị đàn áp, khi đó, cô là một võ sĩ đai đen karate, là cầu thủ bóng đá và vận động viên chạy điền kinh, cô mơ ước một ngày nào đó được thi đấu tại Thế vận hội nhưng không biết làm sao thực hiện được. Cuộc tìm kiếm sự an toàn của cô kéo dài hơn một năm, đưa cô đến Sudan, qua thêm các trại tị nạn của Ai Cập, Libya, nơi cô bị cầm tù, và cuối cùng đến Pháp vào năm 2017, nơi cô được tị nạn.
Thể chất suy sụp vì khó khăn, thiếu thức ăn và ca phẫu thuật dạ dày không thành công trên đường đi tưởng chừng đã không thể đưa Abaroge đã trở lại với thể thao. Thế rồi, cô lại tham gia các môn điền kinh để trở thành một phần của Đội tị nạn gồm 37 người thi đấu ở 12 môn thể thao ở Paris 2024.
Abaroge hiện là biểu tượng của sự thành công trong thể thao ở Pháp trong nghịch cảnh. Cô nhớ khi đến Alsace tám năm trước, cô không sở hữu được một đôi giày thể thao nào. Những người ở tòa thị chính địa phương Thal-Marmoutier, ngôi làng nơi cô định cư lần đầu, đã giúp cô bắt đầu sự nghiệp chạy bộ bằng cách đưa cô đến một cửa hàng thể thao để mua giày.
Cô nói: “Khi tôi đến Pháp một mình, họ hỏi tôi niềm đam mê trong cuộc sống là gì. Tôi nói thể thao. Họ đưa tôi đến một cửa hàng để mua một số đôi giày thể thao và bộ dụng cụ rồi tôi bắt đầu chạy.”
Cô kết hợp việc tập luyện 2 lần mỗi ngày ở Strasbourg cùng công việc toàn thời gian đóng gói bưu kiện trong một nhà kho. Sự hỗ trợ từ IOC cho phép cô được nghỉ phép không lương hai tháng để thi đấu tại Thế vận hội. Cô nói: “Các công nhân ở đó đều ủng hộ tôi”. Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ đoàn thể thao người tị nạn, cô luôn lo lắng về việc cân bằng giữa việc tập luyện cũng như giữ được công việc và trả tiền thuê nhà.
Một mình ở Pháp không có gia đình, Aborage mô tả đoàn thể thao người tị nạn “giống như một gia đình”. Phương châm của cô rất đơn giản: “Tôi sẽ không bỏ cuộc sau tất cả những gì tôi đã trải qua”. Cô nói về cuộc đua 1500m Olympic đầu tiên của mình: “Tôi không quen với một sân vận động lớn như thế này, tôi chưa bao giờ tham gia một cuộc thi lớn như vậy, với quá nhiều âm thanh. Khi hoàn thành phần thi của mình, tôi thực sự rất tự hào. Tôi thậm chí còn không muốn dừng lại. Cứ như thể tôi vừa mới chạy bộ, như thể tôi vừa mới chạy bộ ra ngoài vậy.”