Đội tuyển U22 hiện nay không được quan tâm nhiều như thế hệ á quân U23 châu Á, mặc dù đa số cầu thủ của U22 chính là các thành viên dự U20 World Cup hồi năm 2017. Đầu năm nay, U22 Việt Nam còn bị chê trách khi không vào được chung kết U22 Đông Nam Á, trước khi kịp lắng dịu sau trận thắng Thái Lan 4-0 ở vòng loại U23 châu Á.
Đánh giá cao chiến thắng của U22 Việt Nam, không phải vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000 (giải U16 châu Á), một đội tuyển Việt Nam mới đánh bại Trung Quốc trong khuôn khổ một trận đấu có tính chính thức, mà vì sự tiến bộ rất nhanh của các cầu thủ trẻ cả về chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu. Trên thực tế, HLV Park Hang-seo có rất ít thời gian làm việc với họ. Nhưng mọi chuyện thay đổi nhờ phương thức tập trung ngắn hạn, được thực hiện liên tục mỗi tháng.
Theo kế hoạch của HLV Park Hang-seo, trước khi tham dự SEA Games, đội U22 có đến 7 đợt tập trung, thi đấu đến 9 trận giao hữu chất lượng cao, chủ yếu với các đội bóng nước ngoài. Hơn 50 cầu thủ được gọi lên, trả về qua mỗi đợt tập trung chỉ kéo dài chưa đầy tuần lễ. Với phương pháp này, không cầu thủ nào mất cơ hội và cũng chẳng ai bảo đảm suất chính thức. Bài ở chiến thuật của HLV Park Hang-seo cũng được tiếp thu dễ dàng hơn, thay vì nhồi hết vào 1 tháng trước SEA Games như những lần trước đây. Đầu tư theo kiểu như vậy thì đúng là tốn kém, mất thời gian nhưng kết quả là chiến thắng thuyết phục trước U22 Trung Quốc - đội bóng vượt trội về thể hình và được huyền thoại Guus Hiddink trực tiếp cầm quân.
Như vậy, cũng con người đó, nhưng cần có một kế hoạch khoa học, thì chúng ta có một lứa cầu thủ kế thừa đủ chất lượng cho đội tuyển hiện tại, qua đó kéo dài thời gian đỉnh cao của bóng đá Việt Nam ít nhất 5 - 7 năm nữa. Ngược lại, nếu chỉ vừa thấy các tuyến U19, U21 chơi không tốt, vội bi quan cho rằng cạn kiệt tài năng mà không tích cực thay đổi HLV, phương pháp huấn luyện, thì kết quả chắc chắn còn tồi tệ hơn.
Câu chuyện của U22 là bài học cho sự lỗi thời trong cách xây dựng đội ngũ kế thừa ở các môn thể thao khác. Thói quen của thể thao Việt Nam là cứ đợi xuất hiện tài năng, tập trung hết cả vào một cá nhân, rồi để lại một khoảng trống phía sau. Chúng ta cũng nhận được nhiều cảnh báo, nhưng lại chẳng có hành động tương ứng. Nếu nói môn bơi lội khó khăn, hiếm tài năng thì những môn phổ thông như cầu lông, taekwondo, bóng bàn… cũng lâm vào tình trạng tương tự. Câu chuyện về giấc mơ học viện cầu lông của tay vợt Nguyễn Tiến Minh là một ví dụ cho cách chuẩn bị tính kế thừa nửa vời của thể thao nước nhà. Nói cách khác, tính kế thừa trong thể thao hiện đại không phụ thuộc nhiều vào may mắn và không thể chờ câu trả lời của thời gian.