Dấu ấn thể thao Việt Nam 2015
SEA Games 28: Thành công ngoài mong đợi
Với 400 VĐV thi đấu ở 28 trong tổng số 36 môn thể thao, đoàn Việt Nam đã giành được 186 huy chương các loại, trong đó có 73 HCV, vượt chỉ tiêu đề ra là từ 56-65 HCV và duy trì vị trí tốp 3 toàn đoàn.
Điều đặc biệt thành công ở kỳ SEA Games này nằm ở chất lượng của các huy chương. Trong tổng số các HCV đạt được, có đến 68 chiếc thuộc 12 môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic, xuất sắc phá 13 kỷ lục SEA Games, trong đó VĐV bơi Ánh Viên giành 8 HCV cá nhân, phá 8 kỷ lục đại hội hay các VĐV điền kinh phá 3 kỷ lục SEA Games đã tồn tại hơn 20 năm. Cũng tại SEA Games 28, thể thao Việt Nam giành được 3 chuẩn dự Olympic.
Một điểm đáng chú ý khác là bên cạnh những địa phương, đơn vị có truyền thống ở các môn thể thao cơ bản như Hà Nội, TPHCM và Quân đội, đã xuất hiện thêm một số địa phương tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic.
Ánh Viên vẫn là gương mặt xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2015. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tài năng trẻ: Nấm mọc sau mưa
Có thể nói chưa bao giờ thể thao Việt Nam lại có một thế hệ VĐV tài năng với tuổi đời còn rất trẻ như năm 2015. Nếu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được cả làng thể thao Đông Nam Á nể phục với thành tích “cứ xuống nước là phá kỷ lục” tại SEA Games 28 ở tuổi 19 thì vào giữa tháng 7, quần vợt Việt Nam đi vào lịch sử với danh hiệu vô địch đôi trẻ ở giải đấu danh giá thế giới Wimbledon khi Lý Hoàng Nam chỉ mới 18 tuổi. Sau đó, Lý Hoàng Nam đã chính thức có tên trong danh sách ATP 1000, một bước đệm để tiến lên quần vợt nhà nghề.
Kỳ thủ nhỏ tuổi nhất lịch sử thể thao Việt Nam đoạt thành tích trên đấu trường quốc tế Nguyễn Lê Cẩm Hiền với cúp vô địch giải U.8 thế giới. Trong năm 2015 vẫn tiếp tục gặt hái thành công sau khi Nguyễn Anh Khôi vô địch giải U.14 châu Á, còn kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm lần thứ 2 vô địch giải cờ vua danh giá SPICE Cup, vào thi đấu chung kết giải cờ vua Triệu phú và đạt được hệ số elo cao nhất trong sự nghiệp (2718) để chính thức có mặt trong tốp 35 đại kiện tướng quốc tế.
Bóng đá: Vui - buồn lẫn lộn
Kể từ năm 2009, đội tuyển U.23 Việt Nam mới có được huy chương tại SEA Game 28 cho dù đã để lỡ cơ hội chơi trận chung kết sau khi để thua Myanmar một cách đáng tiếc tại trận bán kết. Cũng trong năm 2015, bóng đá Việt Nam giành quyền thi đấu ở vòng chung kết các giải đấu trẻ U.17, U.19 và U.23 châu Á (diễn ra trong năm 2016). Đây là một bước tiến đáng ghi nhận của hệ thống đào tạo trẻ, được khích lệ nhiều hơn sau thành công xuất sắc của lứa cầu thủ U.19 Học viện HA.GL - Arsenal.
Vào những ngày cuối năm, thêm những tin vui cho bóng đá Việt Nam sau khi 3 cầu thủ trẻ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường của HA.GL được các CLB tại J-League 2 (Nhật Bản) và K-League (Hàn Quốc) ký hợp đồng thi đấu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng “xuất khẩu” cầu thủ.
Tuy nhiên, đây cũng là một năm mà bóng đá Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ sau khi đội tuyển quốc gia thi đấu không thành công tại vòng loại World Cup 2018 cũng như việc V-League vẫn nổi cộm các trường hợp bạo lực sân cỏ, sự thiếu ổn định của các CLB ở yếu tố chuyên nghiệp. Dư luận đã đặt vấn đề phải có một “Hội nghị Diên Hồng” để cải tổ toàn diện nền bóng đá.
Việt Quang (tổng hợp)