Mùa giải 2015 là một mùa giải bùng nổ nhất, thành công nhất trong sự nghiệp đầy thăng trầm của Timea Bacsinszky. Lần đầu tiên trong đời, cô gái 26 tuổi người Thụy Sĩ được lọt vào tốp 10 thế giới (cô thăng hạng 10 WTA vào tháng 10 năm nay và hiện đang xếp hạng 12 thế giới).
Lần đầu tiên trong đời, cô gái quê ở Lausanne lọt đến tận vòng đấu bán kết ở một kỳ giải Grand Slam – đó là ở Roland Garros 2015 (chỉ thua Serena Williams ở đây). Và cũng lần đầu tiên trong đời, cô gái tưởng như đã phải giải nghệ hồi năm 2012, 2013 lọt đến trận chung kết của một giải đấu đẳng cấp Premier Mandatory – giải China Open (cô đã thua Garbine Muguruza trong trận đấu chung kết).
Timea Bacsinszky
Cuộc đời của Bacsinszky có lẽ đã rẽ theo một hướng khác nếu cô muốn theo đuổi đến cùng việc học hành của mình trong thời điểm đang rất chán nản quần vợt. Giai đoạn mùa xuân năm 2011, khi mà sự nghiệp đang có dấu hiệu thăng hoa, Bacsinszky đột nhiên dính một chấn thương bàn chân khá nghiêm trọng. Chấn thương này buộc cô phải phẫu thuật đến 3 lần và rời xa sân đấu trong 10 tháng. Thứ hạng của cô, do không được thường xuyên thi đấu, đã rơi ra ngoài tốp 500. Những khó khăn trong sự nghiệp, cộng với áp lực trong cuộc sống khi Bacsinszky có mâu thuẫn với cha của mình, đã khiến cô cảm thấy chán nản muốn buông xuôi, cô xin rút lui khỏi đội hình tuyển Thụy Sĩ tham dự Olympic London 2012, cô muốn từ bỏ quần vợt khi chuyên tâm theo học ngành quản lý khách sạn và làm việc ở một số nhà hàng, quán bar để trau dồi kinh nghiệm. Thế rồi, đột nhiên cô nhận được giấy mời tham dự vòng loại French Open 2013. Không hề tập luyện trong một thời gian dài, điều gì đó vẫn thúc đẩy Bacsinszky lái xe từ Lausanne đến Paris để tham gia thi đấu. Dù để thua ngay trong trận đấu đầu tiên, Bacsinszky đã nhận ra rằng, thứ thức đẩy cô đến Paris trong trạng thái không hề được chuẩn bị chính là nỗi khát khao cháy bóng muốn được ra sân đấu. Cô hiểu rằng, mình vẫn còn yêu quần vợt rất nhiều.
Cuộc đời của Bacsinszky đã bước sang một trang sử mới. Cô thuê Dimitri Zavialoff – cựu HLV của Stan Wawrinka – làm người huấn luyện và dẫn dắt mình. Cô kiên trì tập luyện và chính thức quay lại sân đấu trong mùa giải 2014. Những nỗ lực hết mình và khát khao cháy bỏng muốn được quay trở lại sân đấu đã giúp Bacsinszky đạt được những thành tích cực tốt – cô đánh bại Maria Sharapova ở Wuhan Open 2014. Vài tuần sau, cô lại giành được danh hiệu đôi thứ 4 trong sự nghiệp. Và những khởi đầu vững chắc trong “sự nghiệp thứ 2” đã hướng Bacsinszky đạt được những thành công vượt bậc trong mùa giải năm nay. Giờ đây, làng quần vợt nữ Thụy Sĩ cũng đã bắt đầu “nở mày nở mặt” không kém làng quần vợt nam vì đã có 2 ngôi sao là Bacsinszky và Belinda Bencic. CĐV mê quần vợt Thụy Sĩ hiểu rằng ngoài Roger Federer và Wawrinka ở giải nam, họ vẫn còn những đại biểu ưu tú ở giải nữ…
Nhìn lại quãng thời gian khó khăn khi làm phục vụ quán bar, nhà hàng, Bacsinszky hiểu rằng, bất cứ nỗ lực nào đều cũng mang lại những bài học có giá trị trên sân đấu: “Tôi không biết liệu quãng thời gian đó có thật sự giúp ích cho những cú thuận tay hay trái tay của tôi hay là không, nhưng nó khiến tôi hiểu ra rất nhiều giá trị, rằng khi phải phục vụ người khác, bạn ở một vị thế thấp kém và khiêm tốn đến như thế nào. Khi bạn là một tay vợt, bạn được hỗ trợ, được giúp đỡ về tất cả mọi thứ, bạn không trông thấy những con người đang làm việc với bạn, làm việc vì bạn. Vâng, tôi đã học hỏi được rất nhiều, rằng mình nên là người như thế nào, không phải trên sân đấu mà có lẽ, ở phía bên kia”.
Khi các đồng nghiệp của Bacsinszky biết rằng, cô từng là một tay vợt, họ cảm thấy ngạc nhiên khi cô đang cố theo nghề quản lý khách sạn, nhưng Bacsinszky không hề muốn kiếm chác từ tên tuổi và danh tiếng của mình, thay vào đó, cô muốn các đồng nghiệp của cô đối xử với cô như bất kỳ đồng nghiệp nào khác. Đương nhiên, những trải nghiệm trong quá khứ của Bacsinszky khi cô luôn làm tốt công việc của mình, luôn hòa đồng với những người xung quanh, giờ đây chính là thứ giúp cô xây dựng một mối quan hệ bạn bè thân thiết với những người mà cô gặp gỡ và làm việc chung, từ HLV, chuyên gia thể lực đến cả những cô bé lượm banh không ai biết đến. “Ngay cả cho dù họ đang làm việc cho WTA, thì cuối cùng họ vẫn là con người. Trao một món quà hay nói cảm ơn một lần chẳng giết chết ai cả”, Bacsinszky tâm sự.
Ở Bacsinzsky trong “sự nghiệp thứ 2”, người ta nhận ra một cô gái xinh xắn hơn, tốt bụng hơn, biết quan tâm nhiều hơn, nhưng cũng có tính tranh đấu nhiều hơn. Không phải tự nhiên mà Bacsinszky đang chơi cực hay và quyết không chịu thất bại một cách đơn giản trước những đối thủ giỏi hơn, luôn muốn giành chiến thắng trong khả năng có thể. Điều đó cũng bắt nguồn từ những ngày tháng cực khổ nhưng vô cùng giá trị trong quá khứ. “Tôi thường rửa bát đĩa còn nhanh hơn những đồng nghiệp của mình. Tính tranh đấu là thứ gì đó mà tôi có sẵn ở trong máu”, Bacsinszky cười cười nhớ lại.
Cô đang rất hạnh phúc, đang rất tự hào và đã sẵn sàng khởi động mùa giải năm sau ở Brisbane dù cơ thể của cô vẫn chưa thật sự sẵn sàng. Cô cũng lên ý định sát cánh cùng Bencic ở đấu trường Fed Cup để mang về vinh quang cho tuyển nữ Thụy Sĩ như những gì mà Federer và Wawrinka đã làm cho đội tuyển nam ở Davis Cup. Bacsinszky nói trong hạnh phúc: “LĐQV Thụy Sĩ đã giúp cho tôi rất nhiều. Khi tôi quyết định quay trở lại sân đấu, họ không hề lưỡng lự giúp đỡ tôi bằng mọi cách. Tôi đã khóc rất nhiều, khóc rất thường xuyên. Tôi không bao giờ quên những gì mà bạn bè đã làm cho tôi. Tôi không hề mong chờ mình quay lại như thế này và chơi tốt như thế này. Tôi cảm thấy rất tự hào”.
ĐỖ HOÀNG