Tìm thầy giỏi cho điền kinh Việt

Sự sa sút cùng lúc ở cả SEA Games lẫn Asiad bắt buộc giới quản lý điền kinh Việt Nam phải tính đến chuyện mời thầy ngoại về huấn luyện, vừa giúp nâng chất cho các tuyển thủ, vừa ngăn chặn đà xuống dốc ở nhiều nội dung trọng điểm. Không chỉ có điền kinh, các đội tuyển bóng chuyền nam, cầu lông, bơi lội, xe đạp… cũng đang nỗ lực tìm chuyên gia giỏi phục vụ chiến lược phát triển của mình.

Tổ tiếp sức 4x400m nữ sẽ có chuyên gia nước ngoài đồng hành từ đầu năm 2024. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Tổ tiếp sức 4x400m nữ sẽ có chuyên gia nước ngoài đồng hành từ đầu năm 2024. Ảnh: PHÚC NGUYỄN

Trước đây điền kinh Việt Nam từng có giai đoạn “lột xác” nhờ sự xuất hiện của các chuyên gia Gunter Lange, Uwe Freimuth (Đức) khi thế hệ các VĐV tài năng như Vũ Thị Hương (cự ly ngắn nữ), Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Dương Văn Thái (cự ly trung bình nam và nữ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp nam), Dương Việt Anh (nhảy cao nữ)… được họ dìu dắt nên tiến bộ mau chóng, tạo nên các “cơn địa chấn” thành tích ở Asiad 2010, SEA Games 2011, 2013.

Đấy cũng được xem là tiền đề cho các HLV trong nước nâng cao trình độ huấn luyện chuyên môn nhờ áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến của thể thao thế giới. Điền kinh Việt Nam cũng “phất lên” từ dạo đó, dần khẳng định được tiềm năng và vị thế số 1 ở khu vực Đông Nam Á. Chuyện tranh chấp HCV ở khu vực không được nhắc đến trong các buổi họp nêu chỉ tiêu thành tích trước các kỳ SEA Games mà “tấn công” vào đấu trường châu Á mới được xem là nhiệm vụ quan trọng. Từ các VĐV Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng đến giai đoạn của các VĐV đàn em Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, luôn có những tấm HCV trong hành trang trở về nước sau các giải vô địch châu Á hay Asiad.

Nhưng lúc này, điền kinh Việt Nam đang rơi vào giai đoạn sa sút thành tích, hụt lực lượng tài năng và quan trọng là tính kế thừa bị lung lay, khiến các nhà quản lý phải tính đến một chiến lược khác, vừa có chiều sâu lại vừa tiếp cận được các phương pháp huấn luyện tiên tiến ở nhóm các môn trọng điểm. Thuê chuyên gia giỏi nước ngoài là một kế sách vì điều này từng mang lại thành công trong quá khứ nhưng tập trung cho những nội dung nào mới là điều đáng bàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam) cho biết: “Điền kinh phải tự vận động để theo kịp thời đại. Từng được đánh giá là tiến bộ nhanh, có tiềm lực nhưng ở giai đoạn hiện nay, sự tiến bộ vượt bậc của các nền điền kinh ở Đông Nam Á và châu lục đã đặt điền kinh Việt Nam trước thách thức mới, yêu cầu phải điều chỉnh lại chiến lược đầu tư của mình. Chúng tôi đang làm việc với từng tổ chuyên môn thuộc đội tuyển quốc gia để có thể thống nhất một kế hoạch huấn luyện theo hướng tích cực hơn. Bên cạnh đó sẽ mời chuyên gia nước ngoài giỏi về giúp sức để nâng cao trình độ cho cả HLV lẫn VĐV Việt Nam”.

Trước mắt, tổ tiếp sức 4x400m nữ (đương kim vô địch châu Á) được đánh giá là có đủ khả năng tranh chấp huy chương tầm châu lục nên kể từ đầu năm 2024, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ mời chuyên gia người Ukraine về huấn luyện. Sau khi VĐV xuất sắc nhất ở các cự ly 400m và 400m rào nữ là Nguyễn Thị Huyền dừng thi đấu, tổ chạy ngắn và tiếp sức này vẫn còn đủ lực lượng để duy trì thế mạnh. Nhờ sở hữu tiềm năng thành tích cao hơn bất cứ nội dung nào khác trong đội tuyển nên việc ưu tiên cho nhóm VĐV này là cần thiết.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng phân tán và thiếu sự liên kết trong nội bộ đội tuyển quốc gia, các tổ nhóm nội dung được yêu cầu phải tập trung tại cùng một địa điểm thay vì dàn trải tại Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 được xem là giai đoạn quan trọng để điền kinh Việt Nam tìm lại vị thế, đồng thời chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng diễn ra liên tiếp sau đó như vòng loại Olympic 2024, SEA Games lần thứ 33 năm 2025, Asiad lần thứ 20 năm 2026… Thế nên, nếu không nỗ lực vận động, điền kinh Việt Nam có thể để các quốc gia khác trong khu vực vượt qua và bỏ xa.

Tin cùng chuyên mục