Tìm lại cảm hứng

Vài ngày nữa, bơi lội Việt Nam sẽ góp mặt ở giải Vô địch châu Á 2016. Chỉ thiếu “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước trong thành phần đến Nhật Bản, còn các gương mặt tốt nhất hiện nay như Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật và kể cả kình ngư Việt kiều Lê Nguyễn Paul đều xuất hiện. Giới làm nghề kỳ vọng lần ra quân này sẽ giúp bơi lội tìm lại cảm hứng chiến thắng…

Vài ngày nữa, bơi lội Việt Nam sẽ góp mặt ở giải Vô địch châu Á 2016. Chỉ thiếu “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước trong thành phần đến Nhật Bản, còn các gương mặt tốt nhất hiện nay như Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật và kể cả kình ngư Việt kiều Lê Nguyễn Paul đều xuất hiện. Giới làm nghề kỳ vọng lần ra quân này sẽ giúp bơi lội tìm lại cảm hứng chiến thắng…

Ánh Viên đang cần tìm lại cảm hứng sau cú sốc nhẹ, hay chính bơi lội Việt Nam mới cần điều đó?
Ảnh: Dũng Phương

Bàn đến đấu trường Olympic thì xa quá, vì ngay cả ở cấp độ giải đấu châu Á, bơi lội Việt Nam vẫn đang là “thợ học việc” sau khi khẳng định được vị thế của mình ở sân chơi SEA Games, nhờ những thế hệ VĐV tài năng như Trần Xuân Hiền, Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, Quang Nhật, Duy Khôi… Ngay cả đối với tài năng hiếm hoi như Ánh Viên, giấc mơ giành HCV cũng còn cách tầm tay một quãng, thì bơi lội Việt Nam cần một cú đột phá mãnh liệt để chứng thực rằng sự phát triển của mình không hề “ảo” như người ta đang nghĩ.

Thất bại ở Olympic 2016 là bài học quý giá cho bơi lội Việt Nam nói chung và bản thân kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên nói riêng. Ở đó, chúng ta đều nhận thấy thua thiệt bạn bè rất nhiều, từ cách làm căn cơ, đầu tư bài bản cho đến khả năng khơi dậy khát vọng chiến thắng nơi VĐV. Ánh Viên và chuyến “du học” ở Mỹ suốt thời gian qua mới chỉ được tính là sự khởi đầu của việc phá vỡ tư duy đầu tư của bơi lội nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Thế cho nên, vẫn cần thời gian để thẩm định và nhìn nhận rằng kế hoạch đào tạo Ánh Viên thành ngôi sao bơi lội đẳng cấp châu lục, thế giới có chuẩn mực hay chưa, nên hay không nên điều chỉnh những gì?

Nhưng có lẽ, chỉ ở làng thể thao Việt Nam mới xảy ra câu chuyện nực cười cấm VĐV tài năng thi đấu ở giải trong nước vì sợ… họ giỏi quá, và vì sợ không chia chác được thành tích cho các địa phương đang “nỗ lực phát triển”. Đương nhiên, khi đã “mở cửa bước ra thế giới”, điều mà kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp nhận là sự mới mẻ, là tư duy cấp tiến và sự trung thực trong thi đấu thể thao. Cái cảm giác chán ngán và thất vọng sẽ lập tức ùa về khi không được thi đấu ở giải Vô địch quốc gia, đấu trường làm nên tên tuổi cho các VĐV, trước khi họ đạt đến tầm châu Á, thế giới.

Ánh Viên đang cần tìm lại cảm hứng sau cú sốc nhẹ hay chính bơi lội Việt Nam mới cần điều đó? Có lẽ là cả hai. Phía trước cô gái trẻ người Cần Thơ - niềm hy vọng lớn nhất của bơi lội nước nhà - là những giải đấu khắc nghiệt để khẳng định sự tiến bộ của mình. World Cup bơi lội vừa rồi diễn ra ở Nhật Bản, cô đã chứng minh điều đó, tức là sự cải thiện đáng kể về thông số thành tích.

Nhưng tất nhiên như thế vẫn chưa đủ, bởi vì sự kỳ vọng của nhà quản lý bơi lội vào cô còn lớn hơn gấp bội. Trước đây, khi cô gái tài năng này chưa xuất hiện, bơi lội chỉ dám nghĩ đến việc tranh giành 1-2 HCV ở các nội dung bơi của nam. Sau khi Ánh Viên tạo nên những màn đột phá như mơ, lập tức một sức ép thành tích từ cấp khu vực cho đến châu lục và cả thế giới đè nặng lên vai cô, dù cho khả năng đầu tư cũng như kế hoạch chuẩn bị tương lai cho Ánh Viên chỉ xuất phát từ ý tưởng của một vài cá nhân và đơn vị chủ quản của cô là ngành TDTT Quân đội.

Nhưng điều nghịch lý là, một số người đang nỗ lực cổ súy cho cuộc đầu tư lớn vào Ánh Viên để sớm giành được HCV châu Á và Olympic, một bộ phận khác lại kìm hãm và ngăn trở sự phát triển của cô theo cách thật trẻ con. Giữa 2 trạng thái tâm lý nửa mừng và nửa lo ấy, giả sử Ánh Viên không đáp ứng  được sự kỳ vọng lớn thì cũng đừng lấy làm ngạc nhiên.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục