Thai Premier League
Để lý giải chuyện các CLB Thái Lan phát triển nhanh, ai cũng có thể cho rằng họ có nhiều tiền do các ông bầu bơm vào làm bóng đá chuyên nghiệp, theo cơ chế vận hành tương tự giải Ngoại hạng Anh, cũng như mua sắm cầu thủ chất lượng cao nhưng ít ai biết người Thái còn rất giỏi kinh doanh áo đấu và các vật phẩm kèm theo.
Ở mỗi trận trên sân nhà mùa giải Thai Premier League (TPL) năm nay, đương kim vô địch Buriram United thu về hơn 1 triệu bath (28.000 USD) từ doanh thu bán áo thi đấu, nón... Không đội nào ở V- League hiện tại có được khoản thu hấp dẫn này. Điều ngạc nhiên hơn nữa là việc kinh doanh không chỉ tới từ những cổ động viên ruột, mà còn từ đội khách. Với tốc độ thu nhập từ việc bán vật phẩm liên quan tới đội bóng, không có gì ngạc nhiên khi họ có thể bỏ tiền mua sắm cầu thủ với giá chuyển nhượng lên tới 10 triệu bath (280.000 USD, gần 7 tỷ đồng).
Kinh doanh áo đấu là nguồn thu đáng kể của các CLB Thái (ảnh trái). Cổ động viên của Buriram United chỉ uống bia Chang.
Không chỉ có mỗi Buriram United, các CLB khác ở TPL cũng ăn nên làm ra với cùng phương thức kinh doanh này như SCG Muangthong, Suphanburi FC, Chonburi FC,... Đến nay, sau 19 vòng đấu của TPL mùa này, 18 đội đã bán được 45 triệu vật phẩm (áo đấu, nón, khăn cổ vũ…).
Điều thú vị là các CLB Thái không sản xuất và kinh doanh sản phẩm nhái mẫu từ các đội nổi tiếng thế giới. Mỗi đội có nhà tài trợ áo đấu riêng, hoặc tự thiết kế đặt hàng các công ty sản xuất đồ thể thao nổi tiếng ở Thái như Grand Sport, Warrix, Real, Syntrel, Kool... Họ bán sản phẩm chất lượng với mức giá vừa túi tiền người Thái. Giá bình quân mỗi áo đấu của các CLB Thái khoảng 550 - 1.099 bath (tương đương 360.000 - 750.000 đồng) nhưng chất lượng tương đương áo đấu của Nike, adidas, Puma. Khi mua áo đấu của các CLB, các cổ động viên còn được tham gia nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn như bốc thăm trúng thưởng xe máy trong mỗi trận đấu.
Do vậy, để đạt đến thành công như SCG Muangthong hay Buriram United, sự cố gắng của CLB chưa đủ mà còn cần sự góp sức của các cổ động viên. Họ sẵn sàng mua áo đấu để ủng hộ CLB yêu thích và sẵn sàng mặc áo có nhiều logo quảng cáo của các nhà tài trợ vì với họ đơn giản vừa được mặc áo CLB mình yêu thích, vừa quảng cáo cho nhà tài trợ để tăng nguồn thu cho CLB. Mỗi trận đấu trên sân vận động của Thái, luôn có ít nhất 60-70% cổ động viên mặc áo đấu của CLB tới sân ủng hộ đội nhà.
Họ mua và mặc áo đấu nhiều sẽ càng giúp CLB trong việc được các nhà tài trợ áo đấu quan tâm. Các công ty lớn thường muốn đặt logo của mình lên áo đấu của các CLB hàng đầu. Có dịp tiếp xúc với một anh bạn người Thái, fan ruột của Buriram United, cùng ngồi uống bia Chang với nhau, tôi hỏi tại sao anh không uống bia Singha (một hiệu bia nổi tiếng của Thái Lan), anh trả lời đơn giản: Chang tài trợ cho CLB của tôi. Đơn giản thế đấy nhưng ở Việt Nam trở nên phức tạp vô cùng.
PHAN HOÀNG