Như vậy, tuần đầu tiên của tháng 10 đã trôi qua. Thời gian dự kiến tổ chức Đại hội Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ mới đã không diễn theo lịch ban gần như chốt là trong tháng 9 vừa rồi…
Chắc phải… chờ nữa!
Liên đoàn Bóng chuyền (VFV) chậm 2 năm chưa tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới như thời gian quy định. Nhiều người trong giới bóng chuyền đã sốt ruột vì sự muộn màng này. Giờ, thời gian vẫn trôi và Đại hội vẫn chưa tổ chức nên từ sự sốt ruột thì bây giờ tâm trạng của đa phần những người đang hoạt động trong giới là chậm trễ thành tiền lệ.
Trải qua 5 kỳ đại hội trước, sau mỗi lần tổ chức nhiệm kỳ mới, ít khi tiến độ thực thi lại bị chậm đến vậy. Cũng có thể, nhà quản lý VFV đã lý giải vì những lý do khách quan ở công tác hồ sơ nên sự chậm trễ tiến hành đại hội chưa thể làm đúng theo lịch. Thế nhưng, trên mặt tổng thể, rõ ràng bóng chuyền là môn có ưu thế nhưng lại bị thua hẳn so với các liên đoàn khác.
Bóng chuyền Việt Nam tiếp tục ở “chế độ chờ” cho sự chuyển mình ở nhiệm kỳ mới
Bóng rổ với Boxing rồi cử tạ, thể hình khi thống nhất chung về công tác nhân sự và thành viên ban chấp hành là đại hội đã được tổ chức ngay trong tháng 9 vừa qua. Mỗi liên đoàn, hiệp hội thể thao có thể có đặc thù riêng nhưng ít nhất, người hâm mộ và giới chuyên môn không ai muốn bị sai hẹn. Dù thực tế, bóng chuyền là môn có ưu thế phải tổ chức đại hội nhanh nhất, sớm nhất do hiện Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn vẫn đang giữ vị trí Tổng Thư ký VFV của nhiệm kỳ 5.
Ở vai trò quản lý, sự thúc đẩy của ông Phấn hẳn đã phải nhanh hơn. Tiếc rằng, thời gian đã bước sang tháng 10, tất cả vẫn đang chờ. Thêm một điều nữa, còn 2 tháng nữa là khép lại năm 2015. Và như vậy, năm hoạt động 2015 gần như khó thể tính trọn vẹn là năm hoạt động của nhiệm kỳ 6 (khi đại hội tiến hành xong). Tất cả hoạt động của nhiệm kỳ mới chắc chắn phải tính từ 2016 mới trọn vẹn.
Con người sau 5 năm
Theo tìm hiểu, nhiệm kỳ 6 sắp tới cơ cấu các ban bệ của VFV sẽ có thay đổi so với nhiệm kỳ trước. Trong 5 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm hoạt động), chỉ có các lần ở nhiệm kỳ 3 và 4 thì vị trí quản lý không thay đổi. Chủ tịch lúc đó là ông Nguyễn Xuân Hiển còn TTK là ông Hà Mạnh Thư (đã mất). Nhiệm kỳ 5, Chủ tịch là ông Lê Minh Hồng và TTK là ông Trần Đức Phấn. Nhiệm kỳ 6 sắp tới, nhân sự 2 vị trí trên chắc chắn thay đổi (đúng như lãnh đạo VFV cho biết thì Chủ tịch là ông Lê Văn Thành tới từ Tập đoàn thể thao Động Lực, TTK là ông Lê Trí Trường tới từ Đại học TDTT Từ Sơn).
Liên đoàn Bóng chuyền cũng giống như bóng đá khi 2 vị trí quan trọng nhất là Chủ tịch và TTK. Tuy nhiên, với bóng đá, Chủ tịch và TTK thường xuất hiện nhiều trên báo giới cũng như cùng tham gia hoạt động điều hành thì với bóng đá, điều này ít xảy ra. Chủ tịch có thể là người cũng đam mê và thích bóng chuyền nhưng rất ít khi xuất hiện trong các hoạt động của VFV và một năm chủ yếu chỉ tham gia vào các cuộc họp quan trọng (tính trên đầu ngón tay) của liên đoàn. Vì vậy, công tác hoạt động, điều hành chủ yếu ở vị trí TTK và một vài Phó Chủ tịch (có thể).
Qua 5 năm, con người của nhiệm kỳ 5 còn tại vị ở VFV trong nhiệm kỳ 6 là bao nhiêu người vẫn chưa được tiết lộ. TTK Trần Đức Phấn từng khẳng định nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ 6 gồm nhiều nhân tố trẻ và người cũ của nhiệm kỳ 5 sẽ còn tham gia không nhiều. Tất cả vẫn chờ ngày ra mắt và lúc đó mọi người sẽ biết đủ các thành viên của VFV nhiệm kỳ 6.
|
NGUYỄN ĐÌNH