Tự tin hơn với chuẩn quốc tế
"Việc chúng ta được FIBA xác nhận có 3 suất gồm 2 trọng tài chuẩn quốc tế, 1 người là giám sát quốc tế được xem là tín hiệu tích cực cho bóng rổ Việt Nam nói riêng. Từng người họ phải trải qua cuộc kiểm tra rất cao chuyên môn theo đúng quy định của Liên đoàn bóng rổ thế giơi để được nhận kết quả này. Bóng rổ Việt Nam có trọng tài đạt chuẩn FIBA trước đây và rất hy vọng sẽ có thêm những người làm công tác trọng tài môn bóng rổ tại Việt Nam đạt chuẩn này dù là rất khó", Tổng thư ký Liên đoàn bóng rổ Việt Nam - ông Đặng Hà Việt trao đổi.
Ngay đầu tháng 9, FIBA đã thông báo tới Liên đoàn bóng rổ Việt Nam công nhận các ông Lê Việt Đức (Phó tổng thư ký Liên đoàn bóng rổ Việt Nam - VBF) được là giám sát FIBA giai đoạn 2021-2023; Triệu Chí Trành và Lê Đức Anh cùng là trọng tài FIBA giai đoạn 2021-2023 khi đã vượt qua các nội dung kiểm tra chuyên môn của FIBA. Do ảnh hưởng của Covid-19, 3 người phải thực hiện những bài kiểm tra thể lực qua hình thức trực tuyến (online) dưới yêu cầu chuyên môn và quy định của FIBA gồm thể lực, lý thuyết... để có thành quả trên.
Nhiều năm trước, trọng tài Triệu Chí Thành xem như đại diện duy nhất của Việt Nam đạt chuẩn FIBA và được cơ hội tham gia làm việc các giải quốc tế. Hiện Việt Nam đã có 2 trọng tài chuẩn quốc tế, đủ điều kiện điều hành các giải. Ông Đặng Hà Việt chia sẻ, đây cũng là một trong những sự chuẩn bị chuyên môn của bóng rổ Việt Nam cho SEA Games 31-2021 tại Việt Nam do tham gia trực tiếp điều hành các trận đấu phải là trọng tài quốc tế.
Hàng năm, trọng tài bóng rổ tại Việt Nam chủ yếu làm việc với giải thi đấu quốc gia chính là giải vô địch quốc gia và giải trẻ (U16, U18) dành cho 5x5 và vô địch quốc gia 3x3. Từ năm 2016, khi giải chuyên nghiệp (VBA) ra đời, các trọng tài thêm cơ hội trực tiếp làm việc chuyên môn nhưng về tổng thể, họ vẫn "đói" giải nên thu nhập từ công việc là không cao.
Nếu chỉ làm công tác chuyên môn điều hành tại giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, giám sát và trọng tài chính chỉ được nhận tiền công không quá 85.000 đồng/người/buổi còn trọng tài khác nhận thù lao không quá 60 ngàn đồng/người/buổi (Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định chế độ tài chính đối với các giải thi đấu thế thao, phê duyệt tháng 12-2011). Ít giải, thu nhập thấp là tình cảnh chung của trọng tài tại nhiều môn thể thao thành tích cao (ngoài bóng đá). Thực tế, số ít Liên đoàn, Hiệp hội thể thao có nguồn xã hội hóa ổn định còn thực hiện hỗ trợ thù lao cho trọng tài và giám sát tại từng giải cụ thể, đa số còn lại là không thể.
Thu nhập thấp tuy nhiên vẫn nhiều người đeo đuổi sự nghiệp làm trọng tài bóng rổ do họ quyết theo sự đam mê với môn thể thao này. Một điều khẳng định, bóng rổ đang phát triển là môn thể thao trường học được đón nhận ở các cấp tại nhiều trường tại thành phố lớn. Tuy nhiên, công tác đào tạo từ gốc rễ là sự phát triển chung của nhiều tỉnh, thành ngành (không chỉ tập trung vào TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng) và bóng rổ nữ còn bị xem nhẹ thì Liên đoàn bóng rổ Việt Nam chưa giải được bài toán này. Lúc này, giải đấu như VBA chỉ là một phần của công tác xã hội hóa do doanh nghiệp thực hiện, vai trò của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vẫn chỉ ở giải quốc gia nên việc hoàn thiện hơn tính hiệu quả đào tạo chuyên môn từ các tuyến cho tới công tác trọng tài vẫn rất cần thiết.
Tổng thư ký Đặng Hà Việt cho biết, do diễn biến phức tạp của Covid-19 thì hiện tại thời điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2 của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vẫn chưa thể ấn định cụ thể. Ban chấp hành VBF sẽ không thực hiện đại hội trực tuyến (online) mà tiến hành vào thời điểm thích hợp khi mọi hoạt động được trở lại bình thường. |