Thể thao Việt Nam đã đi qua Olympic Tokyo 2020 dù kết quả không như mong đợi nhưng phải nhìn nhận, sự đóng góp của các HLV chuyên gia là tích cực về thành tích riêng của một số VĐV, hay nội dung thi đấu.
Những đội tuyển đã dự Olympic Tokyo 2020 mà có HLV chuyên gia tham dự trực tiếp có bắn cung, đua thuyền rowing, taekwondo, bơi lội, bắn súng, điền kinh. Gần như đa số họ sau giai đoạn Olympic Tokyo 2020 còn tiếp tục công tác huấn luyện chuyên môn với các đội tuyển.
Chuyên gia Simeonov (điền kinh) và Park Chung-gun (bắn súng) là những HLV được nhiều người hâm mộ Việt Nam biết tới qua những kết quả họ từng đạt được với VĐV tại SEA Games và Olympic. Tính đến lúc này, ông Park Chung-gun và ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam vẫn là HLV chuyên gia thành công nhất khi có đóng góp công sức chuyên môn giúp thể thao Việt Nam giành được HCV lịch sử tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016.
HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng nhận xét: "Chuyên gia Park Chung-gun gắn bó với đội tuyển bắn súng Việt Nam đủ lâu để hiểu công tác huấn luyện và chúng tôi vẫn tin tưởng chuyên môn của HLV giúp ích cho các xạ thủ". Ông Park Chung-gun hiện tại vẫn là một trong những HLV nòng cốt để bắn súng Việt Nam chuẩn bị cho 2 đấu trường SEA Games 31-2021 và Asian Games 2022.
Chuyên gia Simeonov ở đội tuyển điền kinh.
Trong khi đó, chuyên gia Simeonov là người tham vấn chuyên môn trực tiếp tới ban huấn luyện đội tuyển điền kinh quốc gia ở tổ nhóm 400m, 400m rào. Hiện tại, đây là một trong những nội dung chủ lực của điền kinh Việt Nam nên vị HLV người Bulgaria tiếp tục được tin tưởng sẽ giúp VĐV như Quách Thị Lan đạt chuyên môn ở đấu trường Asian Games 2022.
Ông Simeonov đã có hơn 6 năm làm việc tại Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa và phương pháp huấn luyện phù hợp cho tuyển thủ thuộc nội dung của mình.
Với môn taekwondo, chuyên gia Kim Kil Tae (Hàn Quốc) được các tuyển thủ và cá nhân VĐV Trương Thị Kim Tuyền rất nể trọng ở công tác huấn luyện. Chuyên gia người Hàn Quốc đã theo sát các tuyển thủ và cùng ban huấn luyện ĐTQG lên mục tiêu cụ thể để gặt hái kết quả là suất Olympic chính thức tại Tokyo (Nhật Bản) và ngôi vô địch châu Á ở cá nhân Kim Tuyền.
Lúc này, chuyên gia Kim Kil Tae đang nghỉ phép và sẽ trở lại Việt Nam cuối tháng 8. Ngoài họ, các chuyên gia Donnelly (Australia, rowing) và Kim Sunbin (Hàn Quốc, bắn cung).
Chuyên gia Kim Kil Tae và võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền ở Olympic Tokyo 2020.
Chuyên gia bơi lội Huang Gou Hui (Trung Quốc) cũng là người được cấp quản lý bơi lội Việt Nam và Tổng cục TDTT đánh giá cao về chuyên môn. Ông thầy của tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng đã thể hiện rõ sự nhiệt tình và phương pháp huấn luyện hiệu quả giúp VĐV gia tăng chuyên môn đáng kể. Tuy vậy, sự ra đi bất ngờ của ông Huang Guo Hui là điều ai cũng tiếc nuối.
"Tôi quá bất ngờ và buồn trước việc ra đi của HLV Huang Gou Hui. Lãnh đạo bơi lội Việt Nam và Tổng cục TDTT đã chuẩn bị chương trình tập luyện hướng tới Asian Games 2022 do vị chuyên gia này huấn luyện các VĐV quan trọng nhưng giờ mọi việc đã bị thay đổi", Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn bầy tỏ. Sau Olympic Tokyo 2020, chắc chắn bơi lội Việt Nam sẽ có sự thay đổi hoàn toàn ở công tác chuyên gia chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng với nhóm VĐV trọng điểm.
NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÃ "ĐI XA" Trong thể thao thành tích cao, giới chuyên môn từng chứng kiến một số chuyên gia từng gắn bó với Việt Nam nhưng đã qua đời. Năm 2014, HLV chuyên gia bóng chuyền Rong Han Yan) gặp cơn đau tim nên qua đời khi đang làm việc tại Việt Nam ở thời điểm đội tuyển bóng chuyền nữ chuẩn bị SEA Games 2013. Dân điền kinh ở nội dung nhảy cao luôn nhắc nhiều chuyên gia kỳ cựu Mikhail Priakhil (Nga) - người vẫn được quen gọi trìu mến là Misa - tuy nhiên sau 17 năm huấn luyện tại Việt Nam và trở về quê nhà nghỉ hưu, HLV gạo cội này đã qua đời.