> Thể thao Việt Nam sẽ chọn 30 tuyển thủ đầu tư trọng điểm cho Olympic
Buộc phải thay đổi cách thức đầu tư
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Athens 2004) bày tỏ quan điểm ngành thể thao cần sự đầu tư tập trung và hướng tới đấu trường ASIAD, Olympic thay vì quá tập trung vào SEA Games. Trong phát biểu của mình tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành (nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London (Anh) 2012) đã nêu vấn đề thể thao Việt Nam phải thay đổi là phân định, đầu tư vào các nhóm môn quy hoạch theo từng mục tiêu thành tích mà ở đó tập trung vẫn là ASIAD, Olympic.
Họ là những người đã trực tiếp làm quản lý, trực tiếp tham gia các đấu trường Olympic do vậy hiểu được điều nào phù hợp cho sự đầu tư để thay đổi. Tuy nhiên, qua mỗi một chu kỳ, sự vận động của thể thao thành tích cao và thể thao Olympic luôn thay đổi. Chúng ta phải sớm bắt kịp, tránh không bị tụt lại.
Vấn đề cốt lõi là thể thao Việt Nam nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng là nằm ở sự đầu tư. Hàng năm, Tổng cục TDTT (trước đây) và Cục TDTT (bây giờ) được phân bổ số ngân sách cố định để chi vào các hoạt động TDTT. Tuy nhiên, số tiền từ ngân sách để ngành thể thao tăng cường cho nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng nhà tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG lần lượt tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ không nhiều. Bởi lẽ, nguồn lực có hạn. Tuyển thủ của các đội tuyển thể thao Việt Nam dự Olympic Paris (Pháp) 2024 khi trở về bày tỏ rất thực tế: “rất nhiều trang thiết bị hiện đại được các quốc gia sử dụng để giúp hồi phục, vật lý trị liệu cho VĐV của mình đạt thể trạng tốt nhất khi thi đấu. Có những trang thiết bị chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam”. Cơ sở vật chất tại các điểm tập luyện của thể thao quốc gia còn chưa đầy đủ nhất trang thiết bị, dụng cụ chưa hiện đại, rất khó đòi hỏi tuyển thủ đạt được sự chuẩn bị chuyên môn tối ưu nhất.
Bài học kinh nghiệm cho HLV và VĐV
Tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, chúng ta có 18 tuyển thủ góp mặt nhưng không ai giành được huy chương. Ở Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta có 16 tuyển thủ tham dự và cũng không ai đạt huy chương. Phải nhìn nhận thẳng thắn, 18 VĐV từng có mặt tại Nhật Bản và 16 VĐV vừa thi đấu ở Pháp là những tuyển thủ xuất sắc của thể thao Việt Nam. Nếu họ không nỗ lực, xuất sắc về chuyên môn, không ai có thể vượt qua được vòng loại Olympic. Kể cả những tuyển thủ được suất đặc cách thì sự thể hiện chuyên môn của họ đã được ghi nhận thì mới có vinh dự nhận suất dự Olympic.
Sau mỗi kỳ Olympic không thành công, người làm chuyên môn luôn rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình. Nhiều ý kiến nêu ra rằng công tác tuyển chọn VĐV phải làm tốt. Thế nhưng, muốn có kết quả tốt đảm bảo được thành tích thi đấu thì thể thao Việt Nam cần đội ngũ HLV, chuyên gia giỏi. Người thầy quyết định 70% sự thành công cho tuyển thủ khi ở đấu trường đỉnh cao như ASIAD, Olympic. Tại Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta có các chuyên gia quốc tế là ông Park Chung-gun (bắn súng), Park Chae-soon (bắn cung), Joseph Donnelly (đua thuyền), Hariawan Hong (cầu lông). Họ đã làm việc trực tiếp chuyên môn với tuyển thủ. Họ đạt được những dấu ấn chuyên môn của mình. Ngoài họ, các HLV nội thực hiện việc chuẩn bị chuyên môn cho tuyển thủ. Chưa kể, một số chuyên gia như ông Tawan Mungphingklang (boxing) hay Peter Nagy (bơi) không trong thành viên Đoàn thể thao Việt Nam nhưng vẫn có mặt tại Paris (Pháp) để theo sát tuyển thủ Việt Nam.
Tới đây, dự kiến Cục TDTT sẽ có đánh giá công tác huấn luyện chuyên môn từ đó từng môn trọng điểm sẽ có kế hoạch về thuê HLV, chuyên gia để là người huấn luyện phù hợp.