“Chúng tôi có những trao đổi về công tác thể thao giữa 2 bên. Tuy nhiên, lúc này chưa thể nói cụ thể về các chương trình bởi việc có gởi VĐV Việt Nam của một số môn trong một số nội dung tới Hungary tập huấn dài hạn còn phụ thuộc vào nguồn lực kinh phí cũng như mục tiêu về chuyên môn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn chia sẻ.
Có mặt ở Việt Nam vừa qua, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Hungary - ông Fabian Laszló cho rằng sự hợp tác về công tác thể thao luôn được phía bạn rộng mở với thể thao Việt Nam. Đồng thời, nếu hiện thực, Ủy ban Olympic Hungary mong muốn kết nối, hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn cán bộ Việt Nam sang học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác huấn luyện, y sinh học và đào tạo VĐV.
Gần nhất, thể thao Việt Nam có đội tuyển bơi đã được tới Hungary tập huấn dài ngày trước SEA Games 31 và khi thi đấu, nhiều tấm HCV của đội tuyển giành được có công sức của các nam kình ngư từng dự đợt tập huấn ấy. Trước họ, đội tuyển bóng bàn Việt Nam cũng có đợt thi đấu tập huấn ở Hungary. Hiện tại, một số đơn vị như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quân đội đã bỏ chi phí để cử VĐV trọng điểm của mình tâp huấn ở Hungary nhằm chuẩn bị chuyên môn cho Đại hội thể thao toàn quốc.
Trước đây, trong các lần chuẩn bị dự Olympic, chúng ta từng cử đội tuyển TDDC, cử tạ, bơi, đua thuyền tập huấn ở Hungary. Thậm chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Đức Phấn từng trực tiếp tới Hungary thị sát nắm rõ được sự tập luyện của đội tuyển bơi và đặc biệt để làm việc với chuyên gia bản địa về chương trình huấn luyện chuyên môn chuyên biệt cho một số tuyển thủ trọng điểm nhắm thành tích ASIAD 19-2022.
“Thời điểm hiện tại sẽ là dịp rất tốt để thể thao hai quốc gia Hungary và Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác, để ngày càng bền chặt và phát triển lên tầm cao mới”, đó là một trong những trao đổi của ông Fabian Laszló. Ngành thể thao Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việ Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ngoài ra còn có một số chương trình đào tạo huấn luyện VĐV trọng điểm, chương trình VĐV ASIAD, Olympic. Chắc chắn, để có thành công của các Chiến lược và chương trình đào tạo thì không thể thiếu nguồn lực về kinh phí đồng thời là những chương trình tập huấn quốc tế.
Sau Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao Việt Nam đã phải phân tích và đưa ra những định hướng cụ thể, thực chất hơn trong bài toán cử VĐV và HLV tập huấn quốc tế dài hạn. Trong lịch sử, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Ánh Viên là một trong những VĐV được đầu tư đặc thù và nhiều nhất cũng như có thời gian tập huấn thi đấu nước ngoài lâu nhất. Ánh Viên đã giành cho thể thao nước nhà những tấm HCV quan trọng trong thi đấu bơi thế nhưng trong một số thời điểm, nhiều ý kiến chuyên gia từng cho rằng chỉ cử riêng biệt một thầy một trò đi tập nước ngoài quá lâu chưa hẳn là một điều hay.
Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều đội tuyển thể thao của Việt Nam tham dự các giải quốc tế ở châu Á và thế giới nhiều hơn từ đầu năm 2022. Chúng ta đang có danh sách 50 VĐV xuất sắc được hưởng thêm hỗ trợ từ nhà tài trợ với ngành thể thao. Trong 50 người đó, đã có tuyển thủ từng tập huấn ở Hungary và giành được kết quả tốt nên trong tương lai gần ở năm 2023, thể thao Việt Nam tiếp tục cử VĐV tập huấn tại quốc gia này là hoàn toàn khả thi.
Tổng cục TDTT đang làm việc để có thể sẽ thuê một chuyên gia nội dung nhảy cao của Hungary cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Nếu các thỏa thuận phù hợp và ổn thỏa, chuyên gia này sẽ tới Việt Nam vào năm 2023. |