Thể thao Việt Nam chưa thể mãn nguyện

Trông ai ngoài Quý Phước?

Chủ nhà của Đại hội TDTT toàn quốc lần 6 là Đà Nẵng chỉ đạt thứ hạng 6 với 22 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014. Sau 4 năm, thứ hạng của Đà Nẵng thay đổi đáng kể. Đặc biệt, 4 năm trước họ giành tới 57 HCV thì qua 4 năm, các VĐV của đơn vị này chỉ còn đạt được 22 chiếc. Đấy là điều rất đáng lo…

Nguyễn Thị Thanh Phúc từng được ví là mỏ vàng của điền kinh Đà Nẵng. Ảnh: Dũng Phương

Trông ai ngoài Quý Phước?

Ngôi sao sáng nhất của thể thao Đà Nẵng không ngoài Hoàng Quý Phước (bơi lội). Tại Nam Định vừa qua, riêng Phước đoạt được 8 HCV (7 cá nhân, 1 tiếp sức). Thực tế chuyên môn cho thấy, nếu Quý Phước không đạt đúng phong độ thì thành tích chung của thể thao Đà Nẵng đã có thể không phải ở con số 22 HCV mà còn thấp hơn. Nhìn xa hơn một chút, Quý Phước vẫn mạnh tại một số nội dung “ruột” nhưng giờ đây, nhiều VĐV của các đơn vị như TPHCM, Hải Phòng, Quân đội đã dần áp sát Phước nên tương lai xa liệu Đà Nẵng còn thống trị ở các nội dung của bơi nam hay không mang dấu hỏi lớn.

Không phủ nhận, Quý Phước vẫn giữ được thể lực sung mãn đáng kể. Và cũng nhìn thẳng vào thực tế rằng, thể thao Đà Nẵng chỉ trông chờ được trong môn bơi mới tạo được thành tích trên 20 HCV như vậy. Ngoài môn trên, thể thao Đà Nẵng còn điền kinh và cử tạ. Những niềm hy vọng của điền kinh là Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng vẫn giữ phong độ đoạt được 2 chiếc HCV trong nội dung đi bộ 20km. Lê Quang Trung và Nguyễn Thị Kim Vân (cử tạ) vẫn giành được HCV.

Tuy nhiên, dù là nơi có Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng đặt bản doanh, có một số tổ điền kinh thuộc ĐTQG tập huấn ở đây, nhưng trớ trêu thay, ngoài nội dung đi bộ thì không VĐV điền kinh nào khác của Đà Nẵng đủ khả năng giành HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014. Ở cử tạ, tượng đài Hoàng Anh Tuấn giải nghệ thì tới lượt Trần Lê Quốc Toàn được trao trách nhiệm làm ngôi sao sáng. Quả thật, bây giờ Quốc Toàn khó có thể vượt qua Thạch Kim Tuấn (TPHCM) nên chỉ an phận với hạng Nhì.

Xét đi xét lại, dù có đông đảo VĐV tham gia thi đấu tại đại hội nhưng chân kiềng thật sự mạnh của thể thao Đà Nẵng lại không nhiều. Một trong những thành tích đáng tiếc nhất của Đà Nẵng tại đại hội năm nay là việc đội bóng đá nam không nằm trong nhóm 3 đơn vị giành huy chương. Bóng đá nam chỉ có 5 đội đấu vòng tròn một lượt và tham dự đội hình với nhiều cầu thủ dạn dày ở V-League nhưng Đà Nẵng vẫn thất bại.

Khi tâm không tĩnh

Báo chí tại Đà Nẵng không ít lần phản ánh thực trạng của thể thao đơn vị này. Từ những thiếu thốn cơ sở vật chất cho tới chế độ đãi ngộ dành cho VĐV. Tất cả đòi hỏi phải “thực chất” để HLV, VĐV yên tâm và chuyên tâm làm việc đạt được thành tích cao thì tất cả vẫn rất phập phù. Là một đơn vị được nhiều địa phương khác nhìn vào với những sự ngưỡng mộ khác nhau nhưng đông đảo HLV, VĐV của các môn thể thao Đà Nẵng đều lắc đầu ngán ngẩm khi hỏi về cơ sở vật chất để được tập luyện, tập trung. Vậy nên, không ít người làm nghề mong mỏi địa phương mình có một trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV, ưu tiên VĐV xuất sắc, hướng tới các môn mũi nhọn để rót đầu tư.

Khi tâm không yên, khó để đòi hỏi tất cả cùng yên lòng bước ra sàn đấu. Đã có thời điểm, trước khi Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 diễn ra, VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh) từng bỏ ngỏ ý định sẽ nghỉ thi đấu. Cô gái được ví là “mỏ vàng” của điền kinh Đà Nẵng cũng cần phải ổn định hơn về cuộc sống và sự nghiệp nên xét tính “treo giày” không phải không có căn cớ. “Đề án về chế độ đãi ngộ đối với các HLV, VĐV tài năng TP Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2020” được ngành thể thao Đà Nẵng đang xây dựng. Phải khi xây dựng xong và đưa vào thực tiễn thì tất cả các HLV, VĐV của đơn vị này mới yên tâm phần nào.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục