Vào năm 2004, trước tình hình thể thao TPHCM đang sa sút, lãnh đạo ngành lúc đó đã có sáng kiến đưa ra chương trình “thế hệ vàng”, tập hợp khoảng 30 VĐV trẻ ưu tú nhất để đưa sang nước ngoài tập huấn dài hạn trong 5 năm, với ngân sách được cho lên đến 2,5 triệu USD.
Rõ ràng, đó là một ý tưởng hay nếu không nói “đi trước thời đại” mà phải đến 5 năm gần đây, thể thao Việt Nam mới bắt đầu áp dụng kể từ sau thành công của Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), vốn là 2 VĐV của… TPHCM.
Bóng chuyền TPHCM vẫn đang loay hoay tìm lại vị thế trước kia. Ảnh: MINH TUẤN
Nhưng cái kết của chương trình “thế hệ vàng” không có gì đáng vui. Thành tích thể thao đỉnh cao chẳng khá hơn là bao. Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn nam... vẫn mất trắng; điền kinh, bơi lội cũng không lấy lại được vị trí số 1. SEA Games 28 vừa qua, chỉ nổi bật môn đấu kiếm, thể dục dụng cụ vốn không liên quan gì đến chương trình. Các VĐV được cử sang nước ngoài khi ấy, về sau cũng có một vài thành tích nhưng không đáng kể và quan trọng là không vượt trội. Đây là lý do mà từ chỗ đứng đầu quốc gia, hiện thể thao TPHCM chỉ đứng thứ 3 trong việc đóng góp cho thành tích của thể thao Việt Nam tại 3 kỳ SEA Games gần đây.
Sát cạnh TPHCM là Bình Dương, nơi vừa nổi lên sau sự kiện Lý Hoàng Nam, VĐV người Tây Ninh nhưng được Bình Dương đầu tư 5 năm qua, vô địch nội dung đôi trẻ Wimbledon. Trước đó, chính Bình Dương cũng là nơi tài trợ cho VĐV của TPHCM là Nguyễn Tiến Minh khi anh đang có mặt trong tốp 10 cầu lông chuyên nghiệp thế giới.
Ở đây có thể thấy rõ ràng rằng, từ ý tưởng đến kết quả thực tế còn phụ thuộc vào cách làm. Chương trình “thế hệ vàng” là ý tưởng đột phá nhưng thực ra ngay từ đầu, chương trình này đã gặp nhiều phản ứng từ các bậc phụ huynh vì khâu tuyển chọn có nhiều khúc mắc. Đầu vào không tốt thì đầu ra khó mà thành công, trong khi những yếu tố này lại phụ thuộc vào những người trực tiếp tham gia tuyển chọn và quản lý quá trình tập huấn. Nói cách khác, dù ý tưởng có hay bao nhiêu nhưng người thực hiện, phương cách đầu tư không thay đổi thì kết quả cũng không được như mong muốn.
Và đây cũng là lý do dù đã từng được ưu tiên cho quyền đăng cai SEA Games 2021 nhưng đến nay, khả năng “mất suất” của TPHCM rất lớn. Lý do, ngành thể thao chưa trình được phương án khả thi mang tính đột phá nào để thuyết phục lãnh đạo thành phố đầu tư cho việc đăng cai SEA Games.
Yến Phương