Thể thao thành tích cao tìm hướng đầu tư hơn 800 tỷ đồng/năm từ nay tới 2030

Các số liệu về tài chính được Cục TDTT báo cáo và mọi người thấy rằng nguồn lực đầu tư hàng năm dành cho thể thao có những con số quan trọng.

Nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao được đưa ra các con số nhưng nhà quản lý yêu cầu Cục TDTT phải có sự phân bổ chính xác, tránh dàn trải. Ảnh: MINH MINH
Nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao được đưa ra các con số nhưng nhà quản lý yêu cầu Cục TDTT phải có sự phân bổ chính xác, tránh dàn trải. Ảnh: MINH MINH

Theo báo cáo của Cục TDTT tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 diễn ra chiều 21-12 tại Hà Nội, hàng năm kinh phí dành cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng có những con số quan trọng.

Tại Hội nghị, số kinh phí cho thể thao thành tích cao từ ngân sách Nhà nước đã được trao đổi cụ thể theo số liệu từng năm năm 2022 và 2023.

Trong năm 2022, kinh phí phục vụ tập huấn trong nước dành cho thể thao thành tích cao là hơn 686 tỷ đồng năm 2022 và hơn 710 tỷ đồng năm 2023. Số tiền trên được phân bổ dùng cho Kinh phí phục vụ tập huấn trong nước: tiền ăn, tiền công, các chế độ là hơn 438 tỷ đồng năm 2022 và hơn 433 tỷ đồng năm 2023 (trong số này, việc thuê chuyên gia nước ngoài là hơn 34 tỷ đồng (năm 2022) và hơn 36 tỷ đồng (năm 2023)); định mức trang bị thường xuyên cho VĐV, HLV là hơn 60 tỷ đồng (năm 2022), hơn 58 tỷ đồng (năm 2023); kinh phí phục vụ tập huấn HLV, VĐV là hơn 65 tỷ đồng (năm 2022) và hơn 69 tỷ đồng (năm 2023) (trong đó tiền dành cho y tế, thuốc men, khám chữa bệnh là hơn 7, 7 tỷ đồng năm 2022 và hơn 8,3 tỷ đồng năm 2023). Kinh phí đoàn tập huấn, tham dự các giải quốc tế ở nước ngoài là 90 tỷ đồng năm 2022 và 110 tỷ đồng năm 2023. Việc tổ chức các giải thể thao, lớp tập huấn trọng tài, hướng dẫn viên là 32 tỷ đồng năm 2022 và 39 tỷ đồng năm 2023.

Ngành thể thao đã đề ra các giai đoạn thực hiện trong công tác đào tạo huấn luyện và tranh thành tích cao. Theo đó, Giai đoạn 1 từ năm 2024 tới năm 2026 mà ở đây sẽ xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho đấu trường Olympic năm 2024, SEA Games 2025 và ASIAD năm 2026; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật cùng trang thiết bị, dụng cụ... Kinh phí ở giai đoạn này khoảng từ 800 tới 850 tỷ đồng/năm.

Giai đoạn 2 từ năm 2027 tới năm 2030 tập trung cho khai thác các nhiệm vụ là tiếp tục triển khai kế hoạch tập huấn thi đấu trong nước, quốc tế. Chuẩn bị lực lượng dự các đấu trường Olympic năm 2028, ASIAD năm 2030 và SEA Games năm 2027, năm 2029. Kinh phí giai đoạn này khoảng từ 850 tới 900 tỷ đồng/năm.

Cục TDTT đưa ra nguồn kinh phí triển khai thực hiện chương trình được huy động các nguồn gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa (tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). Theo đó, ngân sách Nhà nước gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ hoặc đảm bảo thực hiện chương trình, dự án được phê duyệt theo quy định thực hiện Đề án; Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển TDTT của địa phương. Cùng với đó, nguồn lực xã hội hóa cũng được tập trung tìm kiếm.

Tin cùng chuyên mục