Tại Olympic Paris 2024, thể thao Đông Nam Á có 11 đoàn, 182 vận động viên (VĐV) tranh tài, trong đó các quốc gia có nền thể thao mạnh như: Thái Lan, Philippines, Indonesia hay Malaysia đều đã có huy chương, thậm chí là HCV sáng chói. Tính đến hết ngày 8-8, Philippines giành 2 HCV (môn thể dục dụng cụ), Thái Lan giành 1 HCV (môn taekwondo), Indonesia giành 2 HCV (cử tạ, leo núi thể thao)...
Nhìn từ Olympic Paris 2024 có thể thấy, trình độ VĐV của khu vực Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước hàng đầu thế giới, đặc biệt ở những bộ môn thiên về sức mạnh và thể hình như bơi, điền kinh hay đua xe đạp. Thế nhưng, các nền thể thao Đông Nam Á chọn môn thế mạnh để đầu tư chứ không dàn trải.
Qua các kỳ Olympic, các quốc gia Đông Nam Á cho thấy khả năng tranh chấp huy chương nằm ở các môn như: bắn súng, cầu lông, cử tạ, bóng bàn cùng các môn võ. Thái Lan hay Philippines không những duy trì các môn thế mạnh truyền thống, mà còn phát triển ở những môn không phải là lợi thế. Điển hình như Philippines rất mạnh trong môn quyền Anh, đã giành được 2 HCĐ ở Olympic 2024 (hạng 50kg và hạng 57kg nữ). Bên cạnh đó, quốc gia này còn đẩy mạnh phát triển môn thể dục dụng cụ mà Carlos Yulo là gương mặt trọng điểm khi giành đến 2 HCV (thể dục tự do và nhảy chống).
Trong khi đó, Thái Lan lại duy trì thế mạnh ở một số môn võ với hạng cân nhẹ, mà thành công của cách làm này là việc Panipak Wongpattanakit bảo vệ được tấm HCV hạng 49kg nữ môn taekwondo và Janjaem Suwannapheng giành HCĐ ở hạng 66kg nữ môn quyền Anh. Panipak cũng là VĐV đầu tiên của Đông Nam Á bảo vệ thành công ngôi vô địch Olympic từ trước đến nay. Đồng thời, thể thao xứ chùa Vàng còn “tấn công” mạnh vào các môn vốn không phải lợi thế. Việc lực sĩ Theerapong Silachai giành HCB hạng cân 61kg nam (hạng cân có Trịnh Văn Vinh của Việt Nam thi đấu) ở môn cử tạ, hay Kunlavut Vitidsarn đã đem về tấm HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử cho cầu lông Thái Lan, đã tạo nên bất ngờ rất lớn cho giới chuyên môn.
Nếu so với thế giới, Thái Lan chưa bao giờ là cường quốc cầu lông, cử tạ, cũng như Philippines chưa bao giờ quá mạnh trong các môn thể dục dụng cụ. Thế nhưng qua mỗi kỳ Olympic, họ cho thấy sự thay đổi và phát triển rất nhanh, đặc biệt là có chiến lược đầu tư rõ ràng.
Hành trình trên đất Pháp của đoàn thể thao Việt Nam đã khép lại và mục tiêu giành huy chương không thể hoàn thành, tương tự như kết quả ở kỳ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021 Vinh mang về 1 HCV và 1 HCB tại Olympic Rio de Janeiro 2016, đoàn thể thao Việt Nam lại rơi vào cảnh trắng tay rời ngày hội lớn.