Thế nào là “phản bội”?

1.

Công việc của Mourinho đã bị các cầu thủ Chelsea phản bội ư? Không! Theo báo Guardian (Anh) hôm qua, chính Mourinho đang phản bội cầu thủ. Họ có quyền cảm thấy như thế.

Thế nào là “phản bội”? ảnh 1

Tương lai của HLV Jose Mourinho đang không còn nằm “trong tay” ông.

1. Nhờ đâu mà Chelsea vô địch Champions League 2012? Dưới góc nhìn của nhật báo Guardian, tất cả đều gói gọn trong 2 chữ “đoàn kết”. Đó là 2 chữ in sâu vào tâm trí, thấm sâu trong máu cầu thủ và cũng đã trở thành niềm tự hào của người hâm mộ Chelsea suốt mười mấy năm trời. Có những đối thủ mà Chelsea biết rõ là họ không sánh được về kỹ thuật lẫn kỹ năng thi đấu, nhưng họ bù lại bằng tình đoàn kết sắt son và tinh thần bất khuất. Thế là họ vượt qua Barca ở bán kết, thắng luôn Bayern trên chấm 11m luân lưu trong trận chung kết tổ chức ngay tại sân của Bayern. Trong kỷ nguyên Champions League, trận chung kết 2012 có lẽ là lần duy nhất chức vô địch gần như được xây dựng hoàn toàn trên giá trị tinh thần.

Và cái giá trị ấy từ đâu mà ra? Dẫn dắt Chelsea năm 2012 là Roberto di Matteo, nhưng nền móng cho thành công đó là Mourinho. Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên ở Chelsea vào những năm 2004-2007, Mourinho đã xây dựng được một mối gắn kết keo sơn không gì lay chuyển nổi giữa ông với các cầu thủ. Họ sẵn sàng làm mọi thứ vì ông. Đổi lại, ông cũng sẵn sàng làm mọi chuyện vì họ. Điều này đã được cựu tiền vệ Lampard nhấn mạnh trong một bữa dạ tiệc tôn vinh Mourinho cách đây vài năm: “Tất cả đều bắt đầu từ ông ấy. Có thể Mourinho không hiện diện ở trận chung kết, nhưng cái tinh thần một người vì mọi người và mọi người vì một người ấy là do Mourinho mang lại”.

2. Hỡi ôi, so lại lúc đó với trận thua Leicester 1-2 mới đây, sao mà khác nhau cả một trời một vực. Trước kia ông hùng hổ bao nhiêu khi chở che các cầu thủ của mình thì bây giờ ông hăng hái bấy nhiêu khi đổ lỗi cho họ. Ông cho rằng họ đã phản bội công việc của ông, không tuân thủ đấu pháp do ông đề ra. Ông nhắc lại từng chi tiết, điểm lại diễn biến của 2 bàn thua để cho thấy họ đã phản bội như thế nào. Tức là ông tin họ phản bội thật chứ ông không hề lỡ lời.

Không dừng lại ở đó, ông còn “mở rộng hẳn vấn đề”, bàn luận một thôi một hồi về nguyên do Chelsea thi đấu tệ hại ở mùa này. Trong khi đa số HLV khác cùng lắm cũng chỉ nói là “thất vọng” hoặc “buồn bực” khi đứng trước camera truyền hình, Mourinho lại sốt sắng nêu hẳn ra 2 giả thiết: Thứ nhất, có thể là mùa trước ông đã quá “phi thường” nên đã đưa được Chelsea lên những tầm cao không tưởng - và mùa này đương nhiên phải... rớt xuống. Thứ nhì, có thể do mùa này khởi đầu kém và những kết quả không tốt đã kéo dài nên các cầu thủ Chelsea không còn ý chí vươn lên nữa. “Trong 2 khả năng ấy, sẽ có một là thật!”, Mourinho tuyên bố.

Nghe thấy vậy, có lẽ không riêng gì Roman Abramovich mà bất cứ ai cũng phải tự hỏi xem liệu sự kính trọng và tôn trọng giữa cầu thủ với HLV trưởng Chelsea có còn hay không!

3. Bởi lẽ cả 2 giả thiết Mourinho vừa nêu ra, dù chưa xác định là đúng hay không đúng, cũng đã mang ý nghĩa coi thường, miệt thị các học trò. Đồng thời, 2 chữ “phản bội” mà ông dùng chẳng những quá nặng nề mà còn sai tuyệt đối - báo Guardian nhận định như vậy. Để sổng đối phương trong vòng cấm địa thì không bao giờ là một hành động phản bội lại HLV trưởng, nhất là khi đối thủ ấy có tốc độ tốt như Jamie Vardy. Hãy gọi đó là “phòng ngự dở”, hoặc nghiêm khắc hơn thì là “làm cả đội thất vọng” nhưng đừng gọi là phản bội, bởi 2 cái chữ “phản bội” ấy tàn tệ nhất trần đời.

Nhưng vì Mourinho đã dùng nó, theo Guardian, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu một thành viên tận tuỵ mẫu mực như John Terry đang cảm thấy ra sao khi bị xem là phản bội? Liệu trung vệ trẻ Zouma, vốn đang ở độ tuổi khó tránh khỏi những lúc mất tập trung nên đã vuột mất Vardy ở bàn thua thứ nhất, có tổn thương khi bị kết tội là mưu phản hay không? Liệu các cầu thủ còn lại của Chelsea sẽ nghĩ gì khi Mourinho đổ hết lỗi cho họ cốt là để ông thoát hết trách nhiệm? Nhìn chung, có thể nói Mourinho đang tự tìm đến nguy cơ đánh mất mọi thứ cốt yếu nhất đối với mọi HLV trưởng: Lòng tin của cầu thủ. Ông càng làm ra vẻ là nạn nhân của sự phản bội, các cầu thủ Chelsea càng có quyền cảm thấy rằng chính ông mới phản bội họ.

4. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi cái tên Mourinho đã lên hàng đầu trong danh sách có nguy cơ bị sa thải. Và nếu điều đó xảy ra, cũng đừng ngạc nhiên nếu lần này hoàn toàn không có nước mắt tiếc thương như lần thứ nhất vào năm 2007. Lòng tin mà không còn thì cũng chẳng thứ gì khác mà còn được.

HƯNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục