FIFA đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ VAR kể từ khi nó được giới thiệu tại World Cup 2018 ở Nga, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Chiến thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha ở World Cup 2022 tại Qatar đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, ban đầu được cho là bóng đã ra ngoài cuộc, nhưng quyết định sau đó đã đảo ngược sau một cuộc tư vấn VAR kéo dài... Hội đồng IFAB cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp tại sân Wembley ở London (Anh) rằng họ cũng thảo luận về việc làm rõ liên quan đến những luật của trận đấu, bao gồm các nguyên tắc về “cố ý chơi bóng” trong các tình huống việt vị.
Giám đốc điều hành của LĐBĐ Anh (FA) Mark Bullingham, người chủ trì cuộc họp, nói với các phóng viên rằng các cuộc thảo luận giữa trọng tài và quan chức VAR sẽ được giữ kín. Tuy nhiên, trọng tài sẽ có micro để giải thích về quyết định cuối cùng. “Sẽ có một thử nghiệm trong các giải đấu của FIFA trong 12 tháng tới, trọng tài có trách nhiệm, sau khi quyết định VAR được đưa ra, thông báo cho sân vận động và khán giả truyền hình về những gì đã xảy ra và làm rõ quyết định đó. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó quan trọng về tính minh bạch, cả đối với đám đông trong sân vận động, những người mà chúng tôi cho rằng hiện tại không có đủ thông tin”.
IFAB cũng đã xem xét các biện pháp để tạo ra các điều kiện và thời lượng thi đấu công bằng hơn, nhưng quyết định không đưa ra giới hạn thời gian cho một tình huống cân nhắc của VAR, dù đã có nhiều ý kiến tranh cãi về thời gian bù giờ quá dài tại World Cup 2022. “Cách tiếp cận được thực hiện tại World Cup Qatar 2022 đã được đón nhận tích cực, các biện pháp khả thi bao gồm tính toán thời gian bù giờ chặt chẽ và chính xác hơn”.
Những thử nghiệm mới cũng có thể được mở rộng cho Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm nay tại Australia và New Zealand.