Thắng “cú đúp” 6/0, rồi tiến bước?

Roger Federer mới giành được “cú đúp” 6/0 (thuật ngữ trong quần vợt là “double bagel”) thứ 2 trong sự nghiệp - khi đánh bại Mischa Zverev để lọt vào bán kết giải sân cỏ Gerry Weber Open 2013.
Thắng “cú đúp” 6/0, rồi tiến bước?

Roger Federer mới giành được “cú đúp” 6/0 (thuật ngữ trong quần vợt là “double bagel”) thứ 2 trong sự nghiệp - khi đánh bại Mischa Zverev để lọt vào bán kết giải sân cỏ Gerry Weber Open 2013.

Trước đó, Federer từng tạo dựng điểm số “khủng khiếp” 6/0 và 6/0 khi đả bại Gaston Gaudio (Argentina, vô địch Roland Garros 2004) ở Masters Cup tại Shanghai - tiền thân của ATP World Tour Finals ngày hôm nay. “Cú đúp” 6/0 trong một trận đấu không phải là điều dễ thực hiện trong quần vợt thời hiện đại, nó chứng tỏ Federer đã rất tập trung và có ưu thế vượt trội so với đối thủ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, việc anh nghiền bẹp 6/0, 6/0 trước tay vợt người Đức hạng 156 thế giới (nhận suất wild-card) có ý nghĩa gì lớn lao trong thời điểm hiện nay, khi anh đang tuột dốc không phanh?

Roger Federer hiện đang cần rất nhiều trận thắng quan trọng ở các thời điểm bước ngoặt chứ không phải “cú đúp” 6/0 như thế này.

Roger Federer hiện đang cần rất nhiều trận thắng quan trọng ở các thời điểm bước ngoặt chứ không phải “cú đúp” 6/0 như thế này.

Federer tỏ ra khá “thông cảm” với Zverev: “Thắng với điểm số như thế này không dễ thực hiện, và bạn không bao giờ bước vào một trận đấu bất kỳ và nhắm trước những điểm số như vậy. Tôi đã rất ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra trong ngày hôm nay, đặc biệt là trên mặt sân đất nện. Tôi nghĩ, với một tay vợt chuyên chơi giao bóng và lên lưới mà để thua với điểm số như vậy quả là rất đáng thất vọng. Điều đó chứng tỏ tôi đã chơi khá dễ dàng với những cú đánh chéo sân và trả giao bóng. Hy vọng Zverev không xem trận thua này là quá tồi tệ. Tôi đã đoán trước được các cú giao bóng của anh ấy và tung ra hàng loạt cú trả giao bóng thắng điểm liên tiếp. Dù tôi thích thắng với điểm số không đậm đà như vậy, kiểu như 6/1, 6/2, nhưng tôi không có ý định trao một game nào cho đối thủ…”.

Federer vẫn đang tìm kiếm danh hiệu đầu tay trong năm, tính cho đến thời điểm này, anh đã trải qua “cơn khát ngôi vô địch” kéo dài tới 10 tháng trời (cơn khát thành tích dài nhất của anh kể từ năm 2003 cho đến nay) - và nếu kết quả thắng 6/0, 6/0 trước Zverev sẽ là bàn đạp giúp anh có thể đăng quang ở Gerry Weber Open thì mọi chuyện hẳn cũng… “không đến nỗi nào”. Nên nhớ, hầu như mỗi lần Federer đăng quang ở Gerry Weber Open, anh lại bước lên bục cao nhất ở Wimbledon trong các năm 2003, 2004, 2005, 2006. Tất nhiên, khi đó vẫn chỉ là “hầu như”, vẫn còn có kẽ hở để người khác “lách luật”. Federer đã vô địch Gerry Weber Open 2008, nhưng ngay sau đó anh thất thủ trước Rafael Nadal trong trận chung kết ở All England Club được miêu tả: “Siêu kinh điển”.

Nhưng khoan hãy nói đâu xa, trước mắt, Federer cần phải thắng Gerry Weber Open năm nay, không phải vì điều đó có thể khiến anh tái lập chiến thắng “cú đúp” như hồi năm ngoái (Federer cũng đã thắng Gerry Weber Open và Wimbledon ở mùa giải 2012), mà điều đó giúp anh tìm lại sự tự tin, giúp anh “phủ nhận” dư luận cho rằng lần này anh “thật sự đã hết thời”. Với những gì đã thể hiện trong mùa giải năm nay, ở Australian Open, ở Roland Garros, ở các giải Masters 1.000 và nhiều giải đấu nhỏ khác, một Federer thường chỉ “ớn” Nadal đã trở thành một Federer có thể để thua bất kỳ ai. Thế nên, những kết quả 6/0, 6/0 chỉ mang một ý nghĩa tương đối nào đó nếu nó không phải là trận thắng ở bán kết, rồi chung kết giải sân cỏ ở Đức, hay một trận thắng bán kết, chung kết Wimbledon.

ĐỖ HOÀNG

Những “cú đúp”, “cú hattrick” 6/0 đáng chú ý trong lịch sử

Roger Federer sở hữu 2 trận thắng “cú đúp” 6/0, nhưng anh chỉ là một trong số rất nhiều người từng tạo dựng được các kết quả áp đảo này. Trong quần vợt, những ván thắng 6/0 liên tục trong một trận đấu chứng tỏ một sự cách biệt rất lớn về trình độ, đẳng cấp, tên tuổi hoặc trạng thái tâm lý giữa kẻ thắng - người thua, vì thế, luôn được nhớ đến một cách rất đặc biệt. Dưới đây là một số trận toàn thắng 6/0 đáng chú ý trong lịch sử quần vợt thế giới (cả ATP lẫn WTA)…

- Christ Evert hạ Martina Navratilova 6/0, 6/0 ở chung kết giải sân đất nện Amelia Island 1981. Một trận đấu đáng quên với Navratilova dù mỗi khi đối mặt với Evert, bà thắng nhiều hơn thua.

- Stefan Edberg hạ Stefan Eriksson 6/0, 6/0 và 6/0 ở Wimbledon 1987. Trận đấu thể hiện sự cách biệt toàn diện về trình độ.

- Steffi Graf hạ Natalya Natasha Zvereva 6/0, 6/0 ở chung kết Roland Garros 1988. Đây là 1 trong 2 trận chung kết đơn nữ có điểm số cách biệt nhất trong lịch sử các kỳ Grand Slam; trong trận đấu này, Zvereva chỉ ghi được vỏn vẹn 13 điểm. Nhưng Zvereva cũng chẳng có gì phải buồn. Graf đơn giản đã “càn quét sạch” các danh hiệu lớn trong năm. Huyền thoại Đức đã thắng “Golden Slam” trong mùa này với cả các danh hiệu Australian Open, Wimbledon, US Open và HCV Olympic Seoul.

- Sergi Bruguera hạ Thierry Champion 6/0, 6/0, 6/0 ở Roland Garros 1993. Bruguera đã trở thành nhà vô địch thật sự sau khi hạ “nhà vô địch” (tên “Champion” trong tiếng Việt nghĩa là nhà vô địch) rồi đánh bại Jim Courier ở chung kết.

- Lindsay Devenport hạ Maria Sharapova 6/0, 6/0 ở Indian Wells 2005. Đó là trận thua đậm nhất trong sự nghiệp của Masha, là nỗi đau không bao giờ cô quên.

- David Ferrer hạ Paul Goldstein 6/0, 6/0 ở Barcelona Open 2007. Không ai biết đó có phải là lý do khiến tay vợt người Mỹ giải nghệ sau đó 12 tháng hay không.

- Justine Henin hạ Marion Bartoli 6/0, 6/0 ở Madrid WTA Championships 2007. “Cuộc phục thù tàn khốc” của Henin đã thành công sau khi cô thua Bartoli ở bán kết Wimbledon hồi giữa năm.

- Juan Moncaco hạ Sergio Roitman 6/0, 6/0 ở Copa Telmex tại Buenos Aires. Roitman đạt tỷ lệ giao bóng 1 thắng điểm thấp: chỉ có 33% và không giành được break-point nào (đương nhiên).

* Andy Murray cũng từng suýt có được “cú hattrick” 6/0 khi đã dẫn Alberto Martin 6/0, 6/0 và 5/0 ở Australian Open 2007. Thế nhưng, tay vợt người Tây Ban Nha đã đòi được một game danh dự và để thua 1/6 trong ván cuối.

TIỂU PHI

Tin cùng chuyên mục