Không lâu sau khi Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ chức vô địch châu Âu trong lịch sử, đội U19 của họ cũng bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu của 1 năm trước. Bây giờ, tất cả sự chú ý lại hướng về đội Olympic, nơi “La Rojita” truy tìm chiếc HCV Olympic thứ 2.
Thành phần dự Olympic của “Bò tót” lấy nòng cốt từ tập thể đã vô địch U21 châu Âu hồi năm ngoái. Đấy là những cầu thủ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã dạn dày kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao như Juan Mata, Javi Martinez, Iker Muniain hay Thiago Alcantara. Tuy Alcantara không thể dự giải vì chấn thương, nhưng những hảo thủ của Tây Ban Nha tại giải này hãy còn rất nhiều: Jordi Alba, David De Gea, Isco…
HLV của Tây Ban Nha, ông Luis Milla, là người đã quá quen thuộc với các đội tuyển trẻ trải dài từ đội U19 đến U23. Bên cạnh hơn 10 cầu thủ vốn đã là tuyển thủ quốc gia, trong tay Milla còn có không ít những cầu thủ đã sớm thành danh trong màu áo CLB và việc lên tuyển chỉ còn là vấn đề thời gian: Cristian Tello, Ander Herrera hay Oriol Romeo.
Tây Ban Nha mới giành được duy nhất chiếc HCV Olympic năm 1992 khi giải tổ chức trên sân nhà Barcelona. Ngày ấy, bàn ấn định tỷ số của Kiko giúp họ vượt qua Bồ Đào Nha 3-2 trong trận chung kết. Năm 2000, tập thể của những Carles Puyol, Xavi chỉ chịu thua Cameroon của ngôi sao Samuel Eo’o trong trận đấu cuối cùng.
Năm nay, Tây Ban Nha trở lại Olympic sau 12 năm vắng mặt và đặt mục tiêu vô địch. Với các cầu thủ trẻ, giải đấu này không chỉ là cơ hội để họ tìm kiếm vinh quang mà còn là một dịp để “tiếp thị” với HLV Vicente Del Bosque, chứng tỏ họ đã sẵn sàng khoác áo đội “lớn” tại World Cup 2014. Nhìn đội hình của họ, hẳn các đối thủ phải cảm thấy nản lòng. Ở mọi tuyến Tây Ban Nha đều có những cầu thủ ngôi sao. Người ta bảo nếu mang đội hình này đi dự World Cup vừa qua thì dù không vô địch, ít nhất “La Rojita” cũng phải vào đến tứ kết.
Đó không phải là một nhận xét quá lời. Cũng như đội “lớn” vừa hoàn thành cú hattrick lịch sử tại Ucraina, các đội tuyển trẻ của Tây Ban Nha cũng đều trung thành với cách chơi bóng tiqui-taca trứ danh, lấy kiểm soát bóng làm nền tảng đi đến thành công. Có thể Olympic Tây Ban Nha chưa có những hậu vệ hàng đầu đủ sức trở thành những Gerard Pique hay Sergio Ramos, nhưng khả năng kiểm soát bóng quá tốt của hàng tiền vệ đã phần nào che lấp những khuyết điểm. Phía trên họ, Martinez đang là mục tiêu chuyển nhượng của cả Barcelona và Bayern Munich, được Bilbao hét giá đến 40 triệu euro. Nếu gộp giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ Tây Ban Nha lại, chỉ có một mình Brazil với những Neymar, Ganso, Thiago Silva… là sánh được với họ mà thôi.
HLV Milla thừa biết sự kỳ vọng đang đặt trên vai đội bóng của mình. Và ông cố xua tan điều đó: “Đội Olympic có những mục tiêu khác và kỳ vọng khác so với đội tuyển quốc gia. Đẳng cấp của họ tất nhiên cũng hoàn toàn khác. Nhưng chúng tôi sẽ đến London để đạt thành tích tốt nhất”.
Ở cùng bảng với Honduras, Nhật Bản và Marốc, Tây Ban Nha sẽ không gặp quá nhiều vấn đề để giành vé vào tứ kết, trước khi hướng đến mục tiêu vô địch.
Trần Minh
- Nhật Bản - Rất có thực lực
Bóng đá Nhật Bản đang có tính kế thừa rất tốt và không ít cầu thủ trong đội hình Olympic đến London nếu như chưa phải là tuyển thủ quốc gia thì cũng sẽ sớm được triệu tập. Đấy là những Takashi Usami (vừa gia nhập Hoffeinhem từ Bayern), Hiroshi Kiyotake (Nuremberg), Hiroki Sakai (Hannover), Yuki Otsu (M’Gladbach) và Ryo Miyaichi (Arsenal và Bolton). Trong khi đó Maya Yoshida (VVV Venlo) thì đã kịp chiếm trọn niềm tin của HLV Alberto Zaccheroni.
Mặc dù cầu thủ đang được ngợi khen nhiều nhất trong thế hệ trẻ - Shinji Kagawa - không góp mặt vì bận gút lại cuộc chuyển nhượng sang Man.Untied, Nhật Bản cũng có một đội ngũ giàu sức chiến đấu và sẽ là một nguồn cung cấp cầu thủ quan trọng cho Nhật Bản tại hành trình World Cup 2014.
HLV Takashi Sekizuka chỉ có thể dùng những cầu thủ đang thi đấu trong nước trong hành trình vòng loại tại châu Á, trong khi tại cúp Toulon, ông lại mất nhiều cầu thủ trụ cột vì cấn với vòng loại World Cup. Vì thế người ta chờ đợi liệu Takashi sẽ làm gì để giúp các cầu thủ ít có thời gian cọ xát cùng nhau nhằm tìm được tiếng nói chung tại London, kỳ Olympic thứ 5 liên tiếp của họ. Thành tích của Nhật Bản trong những giải trước cũng rất khích lệ: Mexico 1968, Nhật Bản đã giành HCĐ, trong khi Sydney 2000 họ cũng lọt vào vòng tứ kết.
Nếu Sekizuka tìm ra công thức kết dính cho các cầu thủ của mình, Nhật Bản sẽ là một tập thể đáng gờm tại London với dàn cầu thủ đồng đều của mình. Trong trận giao hữu cuối cùng trước giải, họ cũng đã chứng tỏ tiềm năng khi đánh bại một trong những ứng cử viên hàng đầu là Mexico 2-1 với các bàn thắng của Omiya Aridija và Otsu Yuki. HLV Sekizuka nói: “Đấy là một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng. Mexico là đội bóng mạnh và từng vô địch giải Toulon tại Pháp. Những gì các cầu thủ Nhật Bản thể hiện hôm nay đã nói lên được nhiều điều về đội bóng này”.
Trận đầu tiên tại vòng bảng Olympic, Nhật Bản sẽ chạm trán Tây Ban Nha với mục tiêu giành 1 điểm. Còn nếu thất bại thì họ cũng có thể hướng đến kết quả tối ưu khi gặp Marốc và Honduras sau đó. Tiền vệ Ohgihara Takahiro nói: “Chúng tôi đã biết cách thi đấu với sự kiên nhẫn. Điều ấy khiến mọi người cảm thấy rất tự tin trước cuộc chạm trán với Tây Ban Nha”.
* Những nhân vật chính
HLV Takashi Sekizuka (51 tuổi) tạo dựng tên tuổi ở trong nước khi giúp Kawasaki Frontale từ một đội bóng khiêm tốn ở giải hạng Nhì vươn lên thành một thế lực tại J-League với lối chơi phòng ngự-phản công đặc trưng.
Maya Yoshida là một hòn đá tảng trong hàng phòng ngự của đội tuyển Nhật Bản. Anh giỏi tranh chấp bóng sệt cũng như các pha không chiến. Hậu vệ cánh Hiroki Sakai là trụ cột của đội Kashiwa Reysol vô địch J-League hồi năm ngoái. Anh rất thích dốc bóng dọc biên phải và tung ra những quả tạt có độ chuẩn xác cao.
Hiroshi Kiyotake đang đi theo con đường của Kagawa khi chuyển nhượng từ Cerezo Osaka sang Đức. Cách chơi của tiền vệ này cũng giống với người đàn anh khi vừa chuyền bóng tốt, lại vừa có khả năng săn bàn. Takashi Usami có tên trong danh sách Bayern Munich dự trận chung kết và dù chưa kịp khẳng định chỗ đứng tại Allianz Arena, anh vẫn là một cái tên đáng theo dõi tại London.
Lê Phong
- Honduras - Bất ngờ hay... bất lực?
Honduras góp mặt trong 2/3 kỳ Olym-pic gần đây, một thành tích rất đáng khích lệ khi họ phải cạnh tranh với 2 đối thủ mạnh trong khu vực là Mỹ và Mexico để giành lấy 1 trong 2 suất của CONCACAF.
Câu hỏi đặt ra là Honduras sẽ thể hiện gương mặt nào tại London? Sẽ gây bất ngờ hay - nhiều khả năng hơn - là thất bại thê thảm như tại Bắc Kinh 2008, nơi họ thua sạch cả 3 trận vòng bảng và không ghi được bàn nào.
Tuy không được đánh giá cao về kỹ thuật nhưng Honduras lại rất mạnh về thể lực. Đó là một lợi thế ở ngoài vòng loại, nhưng chưa chắc phát huy tác dụng khi họ phải đương đầu với những đội bóng có được sự chuẩn bị chu đáo về kỹ, chiến thuật.
Nói chung, giới chuyên môn không ấn tượng với đội bóng đến từ Trung Mỹ. Chính HLV Luis Fernando Suarez cũng thừa nhận việc góp mặt tại London đã là một thành công. Ông nói: “Honduras tiếp tục cho thấy sự tiến bộ của mình trong những năm qua và đó là điều quan trọng nhất. Chúng tôi đã dự VCK World Cup 2010 và hiện diện tại London, nơi chỉ có 16 đội tham gia. Đấy là một thành tựu dù bạn nhìn từ bất kỳ góc độ nào”.
* Những nhân vật chính
HLV Luis Fernando Suarez (52 tuổi), người Colombia, nhận được nhiều sự tôn trọng khi từng mang Ecuador vào vòng 2 World Cup 2006. Cầm quân cả đội tuyển và đội Olympic Honduras, Suarez được đánh giá cao ở khả năng kích thích các cầu thủ hơn là một nhà chiến thuật tài ba.
Maynor Figueroa là trung vệ của đội tuyển quốc gia và là 1 trong 3 cầu thủ quá tuổi. Anh chính là người được đánh giá cao nhất về mặt chuyên môn trong đội hình Honduras. Một cầu thủ hơn 23 tuổi khác là Emilio Izaguirre không được dự vì Celtic cần anh cho vòng loại Champions League. Andy Najar thì được bình chọn là phát hiện của MLS hồi 2010. Anh sẽ là mũi tấn công của Honduras ở cánh trái. Roger Rojas được đánh giá cao ở khả năng dứt điểm và được xem là cầu thủ hay nhất của lứa U23.
Phạm Lê
- Marốc - nhắm đến huy chương
Marốc nhiều khả năng đã không thể góp mặt tại London nếu một vận may không bất ngờ đến với họ: vì Ai Cập không thể đảm bảo an ninh nên giải vô địch U23 châu Phi được dời sang Marốc. Trước sự cổ vũ rất nhiệt tình của khán giả nhà, U23 Marốc tuy đã để thua Gabon trong trận chung kết nhưng cũng đã giành vé dự Olympic, lần thứ 7 họ góp mặt tại đấu trường này.
Lần đầu tiên Marốc đến với Olympic là tại Tokyo 1964. Nhưng đến Munich 1972 họ mới tạo được dấu ấn đầu tiên sau khi để lại ấn tượng sâu đậm ở vòng bảng. Suốt 4 lần dự giải sau đó vào các năm 1984, 1992, 2000 và 2004, Marốc tiếp tục nhạt nhòa.
Đến với London, HLV Pim Verbeek trung thành với chiến thuật mà ông từng áp dụng tại giải vô địch U23 châu Phi, tức sẽ dựa trên những cầu thủ đang chơi bóng tại nước ngoài. Đấy là Abdelaziz Barrada của Getafe và Adnane Tighadouini của CLB Hà Lan Vitesse. HLV Verbeek nói: “Chúng tôi đã không thể vô địch cúp châu Phi nhưng sẽ báo thù tại London 2012. Tôi không muốn Marốc góp mặt cho đủ tụ tại giải mà muốn trở về cùng một tấm huy chương”.
* Những nhân vật chính
HLV Verbeek (56 tuổi) rời chiếc ghế HLV trưởng Australia năm 2010 để về làm Giám đốc kỹ thuật của Marốc. Tận dụng những mối quan hệ rất tốt của mình với nền bóng đá Hà Lan, Verbeek đã lôi kéo được nhiều tài năng Marốc đang chơi bóng tại quốc gia này trở về khoác áo quê hương, tiêu biểu có Omar El Kaddouri dù anh này từng đá cho đội U21 Bỉ.
Younes Belhanda là một trong những cầu thủ hàng đầu của giải vô địch Pháp mùa bóng vừa qua, anh góp công giúp Montpellier lần đầu tiên vô địch Pháp trong lịch sử. Abdelhamid El Kaoutari là đồng đội của Belhanda tại Montpellier, anh từng khoác áo đội U19 Pháp. Kế đến là Zakaria Labyad, sinh ra tại Hà Lan và đang là tâm điểm trong một cuộc tranh giành giữa PSV Eindhoven và Sporting Lisbon. Trên hàng công, Marốc có một Yacine Qasmi từng khởi nghiệp tại Paris SG và Rennes.
P.L.