Tài năng và bệ đỡ

Tại Olympic Paris 2024 ở Pháp, không có bất kỳ VĐV nào của thể thao châu Á lọt vào đợt chạy chung kết cự ly 800m nữ, tiếp sức hỗn hợp 4x400m hay chung kết 100m nam và nữ.

Screenshot 2024-08-11 085119.png
Vận động viên Abdul Hakim Sani Brown (giữa). Ảnh: Yomiuri Shimbun

Những VĐV vượt qua vòng loại như Sani Brown Abdul Hakim (Nhật Bản) hay Puripol Boonson (Thái Lan) ở nội dung 100m nam có rất ít cơ hội giành huy chương, một lần nữa chứng minh quy luật rằng các VĐV châu Á không thể hiện tốt ở đấu trường này.

Ngoại lệ đáng chú ý là Su Bingtian của Trung Quốc, người đã làm nên lịch sử ở Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản khi trở thành vận động viên chạy nước rút đầu tiên không phải người gốc Phi lọt vào vòng chung kết 100m tại Thế vận hội kể từ năm 1980. Su, người đã bỏ lỡ Olympic Paris 2024 vì chấn thương, có thành tích cá nhân tốt nhất là 9,83 giây, con số này lẽ ra sẽ giúp anh đứng thứ năm trong cuộc đua đã diễn ra hôm đầu tuần.

Trước đó, có Liu Xiang, người đã giành chiến thắng ở nội dung 110m vượt rào năm 2004, và thông số thời gian 12,91 giây mà anh chạm đến ở Olympic Athens 2004 hiện vẫn đang là kỷ lục Olympic. Nhưng những thành công này rất ít và xa vời. Các nền thể thao phương Tây tiếp tục thống trị trên đường đua, khi Mỹ nắm giữ 344 huy chương vàng Olympic, trong đó có 9 huy chương của Carl Lewis, trong khi Usain Bolt và Elaine Thompson-Herah cũng đưa Jamaica vào nhóm danh giá này.

Sự khác biệt đầu tiên có thể nằm ở sinh lý học. Trợ lý Giáo sư Vận động học của Đại học Hồng Công - Trung Quốc (HKU) David Montero giải thích: “VĐV chạy nước rút cần sức mạnh, vì vậy kích thước cơ thể con người rất quan trọng. Khối lượng cơ quyết định hiệu suất”.

Các VĐV châu Á không gặp khó khăn hơn trong các cuộc đua dựa trên sức bền, nơi người giữ kỷ lục thế giới đi bộ 20km Yang Jiayu vừa giành được HCV Olympic đầu tiên, Hong Liu sở hữu kỷ lục thế giới đi bộ 50km và Wang Junxia cũng làm được điều tương tự với cuộc đua 3.000m.

Kế đến, là yếu tố công nghệ. Mặc dù Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư mạnh vào công nghệ thể thao, nhưng Tiến sĩ Michael Tse, cũng đến từ HKU, cho biết, những hệ thống này cần được xây dựng từ cấp cơ sở, thay vì ưu tiên cho các vận động viên ưu tú. Nền tảng văn hóa cũng là một lực cản chưa thể vượt qua ở môn điền kinh.

Với xã hội châu Á, việc học tập vẫn được ưu tiên nhiều hơn trong khi điền kinh ở châu Âu và châu Mỹ có mặt ở khắp mọi nơi và được coi là công việc rất nghiêm túc. Ở nhiều nước phương Tây, thể thao là một công cụ mạnh mẽ để mang lại học bổng, sự thăng tiến xã hội và niềm tự hào dân tộc. Qua đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư rộng khắp, sớm xác định tài năng và nuôi dưỡng tài năng đó. Đặc thù của môn điền kinh đó là phải được vun dưỡng các tố chất từ bé.

Các nghiên cứu cũng cho thấy khoảng cách về trình độ học vấn giữa các VĐV phương Tây với châu Á cũng như khả năng tiếp cận các nhà khoa học chuyên môn. Có nhiều nhà khoa học thể thao được tuyển dụng ở Mỹ và châu Âu hơn ở châu Á. Chưa kể, các VĐV thường được thi đấu ở trình độ cao hơn do hệ thống giải đấu nhà nghề được tổ chức thường xuyên tại đây. Hầu hết các HLV thể thao ở trường trung học tại châu Á đều làm việc bán thời gian, với công việc chính là giáo viên thể dục.

Trong khi đó, phần lớn huấn luyện viên ở Mỹ coi đó là công việc toàn thời gian. Và nó phản ánh qua các con số - HLV thể thao trung học Mỹ được trả khoảng 55.337USD, trong khi thầy giáo thể thao trung học Trung Quốc nhận chỉ 1/3. Điều này có nghĩa, các VĐV đỉnh cao được đầu tư từ rất sớm tại Mỹ hay phương Tây, trong khi ở châu Á, các nguồn lực chủ yếu tập trung ở các đội tuyển.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều VĐV châu Á được đưa đi tập huấn ở Mỹ, tập trung cho các môn như bơi, quần vợt và có thể sắp tới là điền kinh. Đó là điều trước đây mà những VĐV như tại Trung Quốc không có cơ hội.

Tin cùng chuyên mục