Việc Man.United bị loại có thể là một cú sốc, còn chuyện CĐV của Man xanh bày tỏ niềm vui như điên dại vì đứng đầu bảng Champions League chính là những thứ phản ánh những giới hạn của bóng đá Anh ở thời điểm hiện nay.
Liệu thất bại ở Champions League có thể giúp Man.United (phải) tạo lợi thế trước Man.City?
Các CĐV Man.City tụ tập rất lâu bên ngoài sân Etihad sau trận thắng của đội nhà để ăn mừng… vị trí nhất bảng cứ như thể họ vừa đánh bại Barcelona và vào vòng bán kết hay chung kết Champions League. Những hình ảnh đó nói lên tất cả: Với Man.City, một sự tiến bộ tại châu Âu là cả một thành tựu.
Ngẫm cũng phải. Man xanh đang mang một bộ mặt thất thường ở giải ngoại hạng, vừa mới nhận trận thua thứ 4 trong mùa khi giải chỉ mới đi được có 15 vòng. Cả mùa trước, dù chỉ về nhì nhưng họ thua có 7 trận mà thôi. Cứ như thể họ phải đánh đổi điều đó để lấy thành công bước đầu ở Champions League vậy.
Thực tế thì Man.City khởi đầu mùa bóng với 5 chiến thắng liên tiếp khi họ chưa đá châu Âu. Phần kế tiếp, kết quả tại Champions League luôn trái ngược với trận đấu kế tiếp ở giải quốc nội. HLV Pellegrini sau trận thắng Moechengladbach đã nói về chuyện sánh ngang với Barcelona và các ông lớn châu Âu nhưng có lẽ, ông cũng phải thừa nhận, tại giải ngoại thì Man xanh chưa phải là ứng cử viên đích thực. Với việc có khả năng đi sâu tại châu Âu, cơ hội để Man.City thắng giải quốc nội lại trở nên khó nhọc. Mọi thứ xuất phát từ lực lượng không đồng đều, thiếu chiều sâu và chưa có dấu hiệu sẽ được bổ sung thích đáng.
***
So với Man xanh thì chuyện Man đỏ bị loại, phải đá Europa League dễ đoán hơn nhiều. Trận địa nào thì Man.United cũng mang một bộ mặt kém thuyết phục như nhau. Từ việc không ghi được bàn thắng cho đến chuyện bị thua trận gần nhau trong gang tấc. Ở giải ngoại hạng Man.United nhận ít trận thua bởi các đối thủ chưa trừng phạt họ nhưng tại châu Âu, với kiểu trận đấu “1 mất -1 còn”, làm gì có đường lùi cho Van Gaal.
Thật ra, việc thua Wolfburg không hẳn là cú sốc bởi hoàn cảnh của trận đấu hoàn toàn chống lại Van Gaal. Đơn giản thế này: Nếu họ có hòa 2-3 trận liên tục tại giải ngoại hạng, cũng còn có cái để giải thích nhưng khi họ đến nước Đức, đấy lại là trận đấu buộc phải thắng. Nó không còn là 1 điểm + 1 điểm =2 điểm mà là thắng hay bị loại. Một đội bóng luôn đá với mục tiêu không thua thì khi cần phải thắng, họ không cố hơn được. Wolfburg có đá hay hơn Man.United không thì chưa biết nhưng chắc chắn họ biết rõ mình phải làm gì còn Man.United thì không. Thành ra, khi chỉ cần dâng cao đội hình, chuyền bóng thiếu an toàn một chút, ngay lập tức Man.United bị động từ con người đến cách chơi. Khi buộc phải làm điều mình không quen, rủi ro đương nhiên xuất hiện.
***
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Man.City đi tiếp hay Man.United đá Europa League chẳng biết là ai tốt hơn. Cần phải quay ngược lại điểm xuất phát kém của bóng đá Anh mùa này tại đấu trường châu Âu để nhớ đến câu chuyện “tái ông thất mã”.
Sức người có hạn, khả năng thành công của các đại diện nước Anh tại Champions League mùa này cực thấp kể cả khi Chelsea hay Arsenal có đi tiếp hay không. Trong hoàn cảnh đó, việc đi tiếp của Man xanh chưa chắc đã hay mà chuyện Man đỏ bị loại cũng không hẳn là sự thê thảm. Cơn bão chấn thương đang càn quét 2 đội bóng thành Manchester và Arsenal nhưng có vẻ lại buông tha Chelsea, đội chơi tệ hại ở giải ngoại hạng. Thế nên, càng căng sức trên nhiều mặt trận, càng dễ bị “mất cả chỉ lẫn chài”. Coi như đó là chút an ủi của các CĐV Man.United khi phải chứng kiến niềm vui của nửa xanh thành phố.
ĐĂNG LINH
M