Sự khác biệt tạo nên điều thú vị

Olympic đã trở lại nước Pháp sau những lần đăng cai vào năm 1900 và 1924, do đó Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cùng nước chủ nhà đã quyết định tạo nên một kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử, phần nào thể hiện qua khẩu hiệu "Games Wide Open" (tạm dịch là Thế vận hội rộng mở).

1. Đầu tiên chính là sự đón nhận xu thế phát triển mới của thể thao, đặc biệt là các môn thể thao - giải trí thu hút giới trẻ. Đây là lần đầu tiên nhảy breaking, trượt ván (skateboarding), trèo tường thể thao (sport climbing) hay lướt ván (surfing) được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic. Điều này được xem là bước chuyển đổi lớn của IOC khi từ lâu luôn có những "khuôn mẫu" trong lựa chọn môn thể thao đưa vào chương trình thi đấu.

Tiếp đó là không gian tổ chức không còn bó buộc ở nhà thi đấu hay sân vận động. Nhiều môn thể thao được tổ chức ngay các khu vực danh thắng tại Paris, thể hiện ý tưởng thể thao là một phần của đời sống. Các vận động viên (VĐV) marathon xuất phát từ Tòa thị chính Paris Hôtel de Ville, chạy qua quảng trường Concorde, ngắm nhìn bờ sông Seine thơ mộng.

Đó còn là cơ hội để người hâm mộ tới Cung điện Versailles để cổ vũ môn đua ngựa, trong khi môn đấu kiếm có thể được theo dõi tại Bảo tàng Grand Palais, hay điện Invalides là nơi tổ chức bộ môn bắn cung. Sông Seine, nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic Paris 2024, cũng là địa điểm tổ chức nội dung bơi marathon và bơi 3 môn phối hợp.

2. Qua từng kỳ Olympic, điều quan tâm bậc nhất của giới chuyên môn, người hâm mộ lẫn giới truyền thông là "Kỷ lục nào sẽ bị phá vỡ?". Bởi Olympic là nơi quy tụ các tuyển thủ hàng đầu ở nhiều bộ môn, họ đến đây không chỉ để "săn" huy chương vàng mà còn là dịp thử thách giới hạn của bản thân. Ngoài mục tiêu lập kỷ lục Olympic, những kỷ lục thế giới mới cũng được lập ở đó.

CN6 Anh1-1000002741.jpg
Breaking, nhảy hiện đại gắn liền với văn hóa hip hop, lần đầu có mặt ở Olympic Paris 2024

Trước thời điểm khai mạc Olympic Paris 2024, môn bắn cung đã tổ chức vòng loại. Đội tuyển Hàn Quốc nhanh chóng gây tiếng vang bằng một kỷ lục thế giới mới được xác lập, do công của nữ cung thủ Lim Si-hyeon với màn trình diễn vô cùng ấn tượng ở vòng loại cung 1 dây đơn nữ. Kết quả, cô có tổng cộng 48/72 mũi tên bắn trúng vòng hồng tâm, thậm chí có 21 mũi tên trúng tâm điểm giữa.

Màn trình diễn này đã giúp Si-hyeon có số điểm lên đến 694, phá vỡ một lúc 2 kỷ lục. Trước đó, kỷ lục thế giới do Kang Chaeyoung nắm giữ với 692 điểm, còn kỷ lục Olympic thuộc về An San với 680 điểm. Ngoài ra, tổng điểm đồng đội nữ của Hàn Quốc (Lim Si-hyeon, Nam Su-hyeon, Jeon Hun-young) là 2.046 điểm, vượt kỷ lục cũ do đội Hàn Quốc lập tại Olympic Tokyo 2020 với 2.032 điểm.

Môn bơi là một trong những điểm nhấn của Olympic Paris 2024, với sự tham gia của các siêu sao có khả năng phá vỡ kỷ lục thế giới, như: Katie Ledecky, Ariarne Titmus, Calaeb Dressel và Adam Peaty... Tuy nhiên, 1/3 nội dung thi đấu của môn thể thao dưới nước này đã diễn ra, các kỷ lục Olympic mới cũng dần được xác lập, nhưng "kỷ lục thế giới bị phá vỡ" vẫn là điều mà giới mộ điệu tiếp tục chờ mong.

Lý do phần nhiều được đề cập là bể bơi Olympic "chậm nhất thế kỷ" - theo cách mô tả của báo chí châu Âu, không đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA). Phải đến rạng sáng 1-8 (giờ Việt Nam), Pan Zhanle (Trung Quốc) mới giành HCV nội dung bơi tự do 100m nam, đồng thời trở thành VĐV bơi đầu tiên phá kỷ lục thế giới tại Olympic Paris 2024.

Không chỉ phá kỷ lục thế giới của chính mình, kình ngư của Trung Quốc còn xác lập kỷ lục mới về khoảng cách với VĐV xếp sau, khi bỏ xa người về thứ nhì là Kyle Chalmers (Australia) đến 1,08 giây. Tính theo tỷ lệ thời gian đua, Zhanle nhanh hơn đối thủ xếp sau đến 2,3%, là mức chênh lệch lớn nhất ở nội dung 100m bơi tự do nam kể từ Olympic 1928.

3. Bên cạnh các thành tích cao được xác lập, Olympic Paris 2024 còn thu hút bởi những phần thưởng mà các tuyển thủ nhận được nếu đoạt huy chương danh giá. Thậm chí, VĐV chiến thắng tại Olympic còn có thể "đổi đời" nhờ số tiền thưởng khổng lồ. Mới đây, nữ kiếm thủ Vivian Kong gây chú ý khi giành tấm HCV quý giá ở nội dung kiếm 3 cạnh cho đoàn thể thao Hồng Công (Trung Quốc), đặc biệt hơn cả chính là khoản tiền thưởng "kếch xù" cho thành tích này. Tấm HCV sẽ mang về số tiền thưởng 6 triệu HKD (hơn 17 tỷ đồng) cho Vivian Kong, theo chương trình trao giải thưởng khuyến khích VĐV của chính phủ. Tập đoàn bất động sản Sino Group cũng trao thưởng cho cô 200.000HKD bằng tiền mặt và phiếu mua hàng trị giá 200.000HKD.

Theo tạp chí Time, Hồng Công (Trung Quốc) là đoàn thể thao dẫn đầu về số tiền thưởng nếu đạt thành tích cao tại Olympic Paris 2024. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng công bố những con số tiền thưởng cao ngất ngưởng. Singapore, thông qua chương trình giải thưởng đại hội thể thao do Hội đồng Xổ số quốc gia tài trợ, treo thưởng 700.000USD cho các VĐV giành HCV, tiền thưởng cho HCB và HCĐ lần lượt bằng 50% và 25% so với HCV.

Trong khi đó, những VĐV giành HCV Olympic của Đài Bắc Trung Hoa sẽ nhận được 20 triệu TWD (hơn 600.000USD) và khoản trợ cấp hàng tháng trọn đời là 125.000TWD (khoảng 4.000USD). Mỹ, cường quốc thường xuyên ở trong tốp dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương các kỳ Olympic, treo thưởng 37.500USD cho HCV, 22.500USD cho HCB và 15.000USD cho HCĐ.

Phần thưởng đôi khi không chỉ là tiền mặt mà còn có những vật phẩm đặc biệt. Chẳng hạn như ở Serbia, những VĐV giành huy chương Olympic Paris 2024 sẽ được đặc cách tự động đủ điều kiện nhận lương hưu bắt đầu từ năm 40 tuổi. Trong khi đó, ở Kazakhstan, Bộ Văn hóa và Thể thao cam kết sẽ cấp cho VĐV giành huy chương Olympic một căn hộ (HCV là căn hộ có 3 phòng, HCB là căn hộ có 2 phòng và HCĐ là căn hộ có 1 phòng).

Chính phủ Ba Lan công bố, mỗi VĐV giành được huy chương tại Olympic Paris 2024 sẽ được thưởng 81.000USD cùng một bức tranh do họa sĩ nổi tiếng Ba Lan vẽ, một viên kim cương, một phiếu nghỉ mát dành cho 2 người, kèm thêm một căn hộ 2 phòng ngủ ở thủ đô Warsaw.

Tin cùng chuyên mục