Có một cảnh quay trong bộ phim “Chuyện tào lao” (tựa tiếng Anh là “Pulp Fiction”, phim được dàn dựng bởi đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino) nơi mà nhân vật do tài tử điện ảnh nổi tiếng Bruce Willis thủ vai vừa mới bắn chết một trong những tay khủng bố trong bộ đồ lịch lãm – những kẻ đang săn đuổi cố giết anh (xin được nói thêm rằng tay sát thủ mới bị bắn chết chính là… một tài tử điện ảnh nổi tiếng khác, John Travolta) – quay trở lại chiếc xe của mình và ngồi vào ghế tài xế ở phía trước, lúc đó, máy quay đã bắt lại một cái nhìn thoáng qua kiếng chiếu hậu của anh ta, nhân vật do Bruce Willis tự nói với chính bản thân mình: “Đó là cái cách mà anh đánh bại mấy đứa đồng bóng đó. Bọn họ luôn đánh giá thấp bản thân của anh”.
Wawrinka
Có vẻ như, “Chuyện tào lao” đang trở nên cực kỳ ứng nghiệm trong sự nghiệp của Wawrinka trong thời gian qua. Không có ai dám mong chờ Wawrinka đánh bại Novak Djokovic và Rafael Nadal trên con đường chinh phạt Australian Open ở mùa giải năm ngoái. Cũng không có ai dám mong chờ anh đánh bại cả Roger Federer lẫn Djokovic để lên ngôi vô địch ở French Open mùa này. Ngay cả sau khi lên ngôi ở Paris và giành danh hiệu Grand Slam thứ 2 trong sự nghiệp, trở thành tay vợt thứ 5 sau Federer, Nadal, Djokovic và Andy Murray sở hữu ít nhất là 2 ngôi vô địch đình đám trong những năm đầu của thế kỷ 21, Wawrinka vẫn phải thừa nhận: “Bộ tứ quyền lực vẫn là bộ tứ quyền lực và tôi không đạt tầm để gia nhập tốp 4 này”. Đến thời điểm này, ngay tự bản thân Wawrinka, và chắc chắn là phần nào đó trong thâm tâm của “bộ tứ quyền lực”, tay vợt người Thụy Sĩ vẫn bị đánh giá thấp hơn các đối thủ nổi tiếng.
Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra khi người ta không còn đánh giá thấp anh? Hay điều gì sẽ xảy ra khi anh lại đánh giá thấp một đối thủ thực chất thua sút anh về thứ hạng, đẳng cấp và cả những trải nghiệm? Đó là những kiểu câu hỏi mà Stan phải đau đầu giải đáp sau và trong suốt trận thua kéo dài 2 ván đấu trước Kevin Anderson (Nam Phi) trong một trận đấu mới đây ở Queen’s Club – Aegon Championships 2015, trận thua đầu tiên của Wawrinka kể từ khi anh lên ngôi tại Paris. Ở đây, trong một… “câu chuyện tào lao nhưng có thật”, Anderson đã trở thành kẻ đi săn trong khi Wawrinka trở thành kẻ bị săn đuổi, hay là một con mồi. Tay vợt bị đánh giá thấp hơn đã phản kích đánh lại “kẻ kèo trên” Wawrinka – và cả sự đánh giá của dư luận – để giành chiến thắng ngoạn mục sau 2 ván đấu với điểm số 7/6 (7-4) và 7/6 (13-11). Đây vốn là một kết quả mà cũng chẳng có ai dám chờ mong – trước khi giải đấu Queen’s Club này diễn ra…
Thua sớm ở Queen’s Club, với Wawrinka có thể là “thượng sách” khi anh có thêm thời gian nghỉ ngơi sau một thời gian dài lao tâm lao lực để toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho Wimbledon, nơi anh có thành tích rất… tệ hại (3 lần bị loại ngay ở vòng đấu đầu tiên, 1 lần bị loại ngay ở vòng 2 trong tổng số 5 lần tham gia giải đấu). Tuy nhiên, nó cũng có thể là “trung sách” khi vị trí hạt giống số 4 của anh ở Wimbledon có thể bị đe dọa nếu Kei Nishikori hoặc là Tomas Berdych chơi tốt và đạt thành tích khả quan ở giải đấu Gerry Weber Open trên đất Đức. Ngược lại, nó sẽ trở thành “hạ sách” nếu anh tiếp tục duy trì thói quen thất bại trước các tay vợt bị đánh giá thấp hơn. Trong mùa giải năm ngoái, Wawrinka từng thất thủ trước 4 tay vợt bị đánh giá thấp hơn, lần lượt là Tatsuma Ito (hạng 103 thế giới), Mikhail Kukushkin (hạng 84 thế giới), Robin Haase (hạng 104 thế giới ), Federico Delbonis (hạng 74 thế giới). Dù Anderson đang xếp hạng 17 thế giới và không ở vị thế quá thấp so với mặt bằng của Wawrinka, kết quả này, đặc biệt lại diễn ra ngay sau ngôi vô địch French Open chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý với Wawrinka và khiến dư luận hoài nghi anh. Dù sau, Wawrinka vẫn có thể biện minh: “Anh ta từng đánh bại tôi 3 lần liên tiếp gần đây nhất, vậy anh ra thắng tôi lần thứ 4 liên tiếp đâu có gì là (trước đó, Wawrinka từng khởi đầu cho “ân oán” giữa 2 bên khi thắng liền 3 trận đấu đầu tiên) và nên nhớ, đây là lần thứ 2 tôi thua Anderson ngay sau khi lên ngôi vô địch Grand Slam (ở mùa giải năm ngoái, Wawrinka nhận trận thua đầu tiên sau khi lên ngôi ở Australian Open đó là trước Anderson ở vòng 16 Indian Wells)”. Đây là thói quen hay chỉ là tình trạng tâm lý?
Để thua Anderson lần thứ 2 sau khi lên ngôi ở Grand Slam, dù là bởi vì Anderson giao bóng quá tốt (tay vợt cao kều người Nam Phi đã tung ra đến 22 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp và thắng hàng tá điểm khác một cách thảnh thơi nhờ vào những cú giao bóng uy lực của mình, trong đó đặc biệt là ở ván đấu thứ 2, nơi Anderson kết thúc loạt tie-break cũng bằng một cú giao bóng ăn điểm trực tiếp) hay là bởi vì Wawrinka và giới mộ điệu đều đánh giá thấp đối phương đều là chuyện tào lao không hơn không kém. Khi đã giành ít nhất 2 danh hiệu Grand Slam, người ta sẽ “soi” anh nhiều hơn và rất ít người chấp nhận một kết quả thua kiểu như vậy. Dù Wawrinka không thuộc “bộ tứ quyền lực”, anh vẫn là người có quyền uy thứ 5 trên giang hồ.
ĐỖ HOÀNG