Blatter thông báo quyết định từ chức trong một buổi họp báo ngắn gọn được tổ chức vội vàng ở Zurich (Thụy Sĩ). Chính ông cũng khẳng định rằng một cuộc bầu cử bất thường sẽ được tổ chức trong quãng thời gian từ tháng 12-2015 đến 3-2016 nhằm tìm ra người ngồi vào chiếc ghế quyền lực tại FIFA. Đây cũng là việc hệ trọng của cả làng bóng đá thế giới. Đáng tiếc là vẫn chưa có một ứng viên rõ ràng nào chứng tỏ được những ưu thế của bản thân.
Sau lưng Blatter vẫn còn rất nhiều nghi vấn.
Hoàng tử Jordan, Ali bin al-Hussein, người đã tự rút lui ở vòng 2 cuộc bầu cử gần nhất cho chiếc ghế Chủ tịch FIFA, đã có những phản ứng dè dặt. “Tôi sẽ phải thảo luận với các tổ chức có liên quan ở nước mình để xem họ nghĩ sao về việc này”, ông nói với CNN. “Tôi cho rằng vẫn còn hơi sớm nhưng nếu họ đồng ý tôi tranh cử một lần nữa, tôi cũng sẽ vẫn sẵn sàng”. Ứng viên tiếp theo là Chủ tịch UEFA, Michael Paltini, thậm chí còn chẳng hề đề cập gì đến cuộc bầu cử kế tiếp mà chỉ trả lời ngắn gọn trước tin Blatter từ nhiệm: “Đó là một quyết định khó khăn, dũng cảm và đúng đắn”. Nhân vật sáng giá tiếp theo là Sheikh Ahmad Al-Fahad al-Sabah, thành viên của gia đình Hoàng gia Kuwait và cũng đồng thời là thành viên Ủy ban điều hành của FIFA.
Sau chuyện ai sẽ là người “kế vị” Blatter thì nhiều người cũng rất muốn tỏ tường lý do gì khiến người đàn ông Thụy Sĩ này thay đổi tâm trí đột ngột đến vậy. Chỉ khoảng 24 giờ đồng hồ sau những phát biểu thắng cử đầy hân hoan và có vẻ thách thức mọi đối thủ, người đàn ông năm nay 79 tuổi thông báo từ bỏ tất cả. Walter Gagg, nhân vật rất thân cận với Blatter nói với báo giới: “Chúng tôi mới vừa ăn trưa với ông ấy. Blatter trông rất thoải mái và khỏe mạnh. Rồi sau đó thông tin từ nhiều nguồn khiến mọi chuyện cứ rối tung cả lên”. Điều gì khiến “ông già gân” này rời bỏ “ngai vàng” FIFA rõ ràng là vẫn chưa thể có câu trả lời thích đáng.
Và số phận của những kỳ World Cup kế tiếp, đặc biệt là World Cup trên đất Qatar cũng đang gây nên căng thẳng. Greg Dyke, chủ tịch của FA tỏ ra chẳng hề e ngại điều gì khi phát đi những thông tin về chuyện này. Ông nói trong chương trình “Good Morning Britain” của ITV: “Những người có trách nhiệm ở Thụy Sĩ đang nghiên cứu kỹ những trường hợp giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Nếu bạn đọc thông tin trên báo, chắc chắn bạn sẽ nghi ngờ về việc Qatar giành quyền đăng cai sự kiện này. Nếu như những hoài nghi này là sự thực và chuyện hối lộ được chứng minh thì tất nhiên quyền đăng cai sẽ phải được quyết định lại”. Greg còn gợi ý rằng Mỹ nên là địa điểm thay thế. “Nên là Mỹ, quốc gia đã về nhì trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022”. Thế nhưng, dù theo ước tính sẽ có khoảng 5.200 công nhân phải bỏ mạng trên các công trường cho đến giờ bóng lăn trên đất Qatar thì việc mang giải đấu này đi nơi khác là không hề dễ dàng. “Sẽ cực kỳ tốn kém bởi mọi hợp đồng đã được ký kết”, Keir Radnedge của Tạp chí bóng đá thế giới cho biết.
Đặc biệt, mức lương của Blatter trong suốt thời gian “trị vì” ở FIFA đến giờ cũng vẫn còn là một điều bí ẩn. Theo một thông tin từ tờ Telegraph, mỗi năm cựu chủ tịch cơ quan quyền lực bóng đá thế giới này lĩnh đến 100 triệu bảng. Người đàn ông biết nói lưu loát tiếng Anh, Pháp, Italia, Đức và Tây Ban Nha này, dù sao, đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng khủng khiếp của mình trong suốt một thời gian dài với một bộ óc sắc sảo và tham vọng quyền lực ghê gớm. “Mỗi khi sức mạnh bị ảnh hưởng, Blatter sẽ làm mọi chuyện để bảo vệ quyền lực của mình”, cựu Tổng thư ký UEFA, Gerhard Aigner, tiết lộ.
VŨ ĐỨC NGUYÊN
>> Sepp Blatter từ chức Chủ tịch FIFA: Thời kỳ mới của bóng đá thế giới
>> Cuộc chiến chống lại Blatter: UEFA không phải khối thống nhất >> Bầu cử chủ tịch FIFA: Cuộc chiến của S. Blatter và phần còn lại